Mỹ- Saudi bàn thương vụ vũ khí hàng chục tỉ đô

Mỹ đang thúc nhanh bàn bạc các hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng chục tỉ đô cho Ả Rập Saudi trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến nước này trong tháng 5.

Reuters dẫn thông tin từ hai quan chức Mỹ cho biết đầu tuần này một nhóm quan chức Ả Rập Saudi đã gặp các quan chức Mỹ tại Nhà Trắng trong hai ngày lên kế hoạch chuyến đi của ông Trump, bàn về các thương vụ vũ khí và đóng góp tài chính chống khủng bố. Giữa tuần rồi, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir đã gặp một số nghị sĩ Mỹ.

Reuters dẫn nguồn tin cho biết các nhà thầu trong các thương vụ vũ khí này là Lockheed Martin Co, BAE Systems PLC, Raytheon Co.

Về Lockheed Martin Co có hạng mục hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tương tự hệ thống đã triển khai ở Hàn Quốc, trị giá 1 tỉ đô; hệ thống phần mềm C2BMC chỉ huy, kiểm soát và liên lạc trong chiến đấu; các gói vệ tinh.

Về BAE Systems PLC, có xe chiến đấu bộ binh Bradley Fighting Vehicle, xe pháo tự hành M109.

Ngoài các hạng mục trên còn có thương vụ bán bốn tàu chiến nổi trị giá 11,5 tỉ đô đã được Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt năm 2015.

Ngoài ra còn có gói bán bom đạn, gồm đầu đạn xuyên phá Penetrator Warheads và bom thông minh Paveway do Tập đoàn Raytheon Co sản xuất. Thương vụ này bị ngưng từ thời chính phủ Obama quanh lo ngại các chiến dịch quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu ở Yemen và thương vong dân thường.

Tổng thống Mỹ Trump (phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng ngày 14-3. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Trump (phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng ngày 14-3. Ảnh: REUTERS

Bộ Quốc phòng không bình luận. Mọi thương vụ mua bán vũ khí lớn đều được Quốc hội giám sát.

Trong vài năm gần đây, Mỹ là nước cung cấp vũ khí chính cho Ả Rập Saudi, từ máy bay chiến đấu F-15 cho đến các hệ thống chỉ huy và kiểm soát trị giá hàng chục tỉ đô.

Trong tám năm, chính phủ Obama đã bán cho Ả Rập Saudi số lượng vũ khí trị giá hơn 115 tỉ USD. Hầu hết các thương vụ mua bán thời Obama đều được ký kết và hoàn thành, chỉ một số ít phải hủy bỏ hay bị ngưng.

Việc chọn Ả Rập Saudi là điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức là tín hiệu cho thấy ông Trump muốn củng cố quan hệ với đồng minh quan trọng nhất khu vực Trung Đông.

Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi không được tốt dưới thời Tổng thống Barack Obama, một phần vì Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân với Iran - đối thủ của Ả Rập Saudi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm