Mỹ sắp ra gói giải cứu 900 tỉ USD, chuẩn bị phát tiền cho dân

Sau nhiều tháng thương thảo, ngày 20-12, các nghị sĩ Mỹ ở lưỡng viện Quốc hội đã đạt được một thỏa thuận chung về gói hỗ trợ kinh tế trị giá 900 tỉ USD nhằm giải cứu hàng triệu dân trong thời gian chống chọi với đại dịch COVID-19, theo tờ South China Morning Post ngày 21-12.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer xác nhận đã đạt được thỏa thuận với các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng như với Nhà Trắng về thỏa thuận. Theo đó thỏa thuận này sẽ “hỗ trợ các khoản tiền cần thiết và khẩn cấp để giúp đỡ cuộc sống của người dân Mỹ trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 ngày càng gia tăng".

Các nghị sĩ Mỹ đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 900 tỉ USD ở Tòa nhà Quốc hội, thủ đô Washington DC, ngày 20-12. Ảnh: REUTERS

Chi tiết đầy đủ về những khoản có trong gói giải cứu này vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, gói giải cứu này dự kiến sẽ bao gồm các khoản viện trợ cho việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 và tăng khoản trợ cấp cho những người thất nghiệp lên 300 USD mỗi tuần.

Đồng thời, gói giải cứu cũng tính đến các khoản chi trả 600 USD cho người Mỹ đang sống dưới mức thu nhập, và nhiều khoản khác nhằm khắc phục nền kinh tế do đại dịch gây ra, kênh truyền hình CNN cho biết.

Dự luật về gói giải cứu sẽ phải được Hạ viện bỏ phiếu thông qua trước khi được đưa đến Thượng viện. Nếu được thông qua ở cả hai viện, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump để xem xét và quyết định phủ quyết hay ký thành luật.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: EPA

Theo tờ Wall Street Journal, thỏa thuận mới dự kiến sẽ giúp ngân hàng trung ương duy trì khả năng thiết lập các chương trình cho vay khẩn cấp mà không cần quốc hội phê duyệt.

Trước đó, Mỹ đã thông qua Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế COVID-19 (CARES) vào tháng 3. Đạo luật này sẽ hết hạn vào ngày 31-12.

Thế nhưng, Cục Dự trữ Liên bang sẽ không thể khởi động lại các chương trình của Đạo luật CARES mà không có sự chấp thuận của quốc hội.

Đảng Cộng hòa đã nhiều lần tìm cách hạn chế khả năng của Cục Dự trữ Liên bang trong việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vì cho rằng đảng Dân chủ đang cố gắng sử dụng đạo luật để tạo ra “quỹ hỗ trợ” cho các chính quyền địa phương nằm trong phạm vi kiểm soát của họ.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ lập luận rằng việc hạn chế các quyền hạn của ngân hàng có thể làm gia tăng cuộc khủng hoảng tài chính và gây khó khăn cho chính quyền sắp tới của ông Joe Biden trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Trong nhiều tháng qua, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã nhiều lần đổ lỗi cho nhau vì chưa đạt được thỏa thuận về kế hoạch cứu trợ lần thứ hai, ngay cả khi thỏa thuận đã được thống nhất vào ngày 20-12.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm