Mỹ “sẵn sàng chấp nhận rủi ro” để chống Trung Quốc

Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Lisa Curtis cho biết Mỹ “sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro” trong việc đối phó với tham vọng của Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.

Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Lisa Curtis. Ảnh: BROOKINGS INSTITUTION.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Viện Brookings về chủ đề “Chiến lược và tầm ảnh hưởng khu vực đang gia tăng của Trung Quốc”, bà Lisa Curtis đã liệt kê danh sách các quốc gia có chung biên giới hoặc gần Trung Quốc mà Mỹ đang tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự, bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Bhutan.

“Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong mối quan hệ (Mỹ-Trung) và tôi nghĩ mỗi bên nên học cách làm quen với những định hướng mới này vì nó sẽ điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với khu vực.” - bà Curtis nói.

Bà Curtis dự báo mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn ngày càng sâu sắc và cả hai đã cam kết về một khu vực tự do, công khai, minh bạch ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Trump được xem là nền tảng chính sách châu Á của Washington và được Bắc Kinh coi là một nỗ lực nhằm tập hợp các cường quốc khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong năm nay, Mỹ và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận vũ khí trị giá 3 tỉ USD liên quan đến việc bán cho Ấn Độ 24 máy bay trực thăng MH-60 Romeo Seahawk và sáu máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache, và một thỏa thuận tăng cường tham vấn “tứ giác kim cương” với Úc và Nhật Bản.

Cuộc đụng độ biên giới gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc làm ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng cho thấy các quốc gia trong khu vực đã vỡ mộng với chiến lược hội nhập chặt chẽ của Bắc Kinh, bà Curtis nói thêm.

Bà Curtis cũng cáo buộc Trung Quốc “bán vũ khí giá rẻ và xây dựng căn cứ cho các tàu ngầm thời kỳ những năm 1970 mà nước này bán cho Hải quân Bangladesh vào năm 2016”.  

“Chúng tôi cam kết với Bangladesh về một thành công lâu dài bởi vì lợi ích của Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương phụ thuộc vào một Bangladesh hòa bình, an toàn, thịnh vượng và dân chủ. Chúng tôi tiếp tục khuyến khích chính phủ Bangladesh đổi mới cam kết đối với các giá trị dân chủ khi nước này chuẩn bị kỷ niệm 50 năm độc lập vào năm tới.” - bà Curtis cam kết.

Bà Curtis dẫn lại một số ý kiến của ông David Helvey, quyền trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong một bài đăng trên tờ South China Morning Post vào tháng này, ông Helvey chỉ ra rằng việc chống lại thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ là một cuộc đua “ma-ra-tông”.

“Cùng nhau, chúng ta phải kiên cường khi đối mặt với thách thức dài hạn này bằng cách tiếp tục duy trì và đại diện cho các nguyên tắc cốt lõi như tôn trọng chủ quyền, minh bạch, giải quyết tranh chấp hòa bình, tự do hàng hải và hàng không.” - ông David Helvey viết.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa bình luận về các phát biểu của bà Curtis. Tuy nhiên, vào hôm 28-7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng chỉ trích về thái độ chống lại chính phủ Trung Quốc ngày càng cứng rắn của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm