Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ

Mỹ ngày 19-6 trở thành thành viên đầu tiên rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) kể từ khi tổ chức này thành lập đến nay. Lý do Mỹ rút vì cho rằng UNHRC không chịu cải cách cũng như thành kiến, thiên vị chống Israel.

Đứng bên cạnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo công bố quyết định này ngày 19-6, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chỉ trích Nga, Trung Quốc, Cuba và Ai Cập vì ngăn cản các nỗ lực của Mỹ nhằm cải cách UNHRC. Bà Haley cũng chỉ trích các nước dù chia sẻ các giá trị Mỹ và khuyến khích Mỹ ở lại UNHRC nhưng lại “không sẵn lòng đối mặt nghiêm túc với hành động của các nước trên”.

Đại sứ Mỹ Nikki Haley (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-6, thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: REUTERS

Đại sứ Mỹ Nikki Haley tại LHQ (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-6, thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: REUTERS

Một trong những cải cách mà Mỹ nỗ lực để UNHRC thông qua là khiến UNHRC dễ dàng hơn trong việc khai trừ các thành viên có nhiều hành động vi phạm nhân quyền. Với quy định hiện tại thì một thành viên chỉ bị khai trừ một khi có 2/3 trong 193 thành viên Đại Hội đồng LHQ bỏ phiếu đồng ý.

Thêm nữa, theo bà Haley, “việc chú trọng quá mức và có thái độ thù địch kéo dài với Israel là bằng chứng rõ ràng cho thấy hoạt động hội đồng do thành kiến chính trị - chứ không phải nhân quyền – điều khiển”.

UNHCR có một nội dung theo dõi thường kỳ về các vi phạm của Israel tại các vùng đất chiếm đóng của người Palestine và Mỹ muốn bỏ nội dung này đi.

Tháng trước, UNHCR bỏ phiếu về vụ binh sĩ Israel dùng đạn và hơi cay giết chết gần 100 người Palestine ở dải Gaza khi họ kéo về biên giới với Israel biểu tình phản đối Mỹ chuyển đại sứ về Jerusalem. Chỉ có Mỹ và Úc bỏ phiếu chống.

Ngoài ra, bà Haley cũng nói Mỹ mệt mỏi với tình trạng nhiều thành viên UNHCR lại có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

“Hãy nhìn vào thành viên hội đồng và quý vị sẽ thấy sự thiếu tôn trọng kinh khủng với hầu hết các quyền cơ bản” – bà Haley nói. Từ một năm trước bà Haley đã nói Mỹ đang rà soát các thành viên UNHCR.

Đại sứ Mỹ Nikki Haley tại cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-6, thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: REUTERS

Đại sứ Mỹ Nikki Haley tại LHQ trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-6, thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng UNHRC làm lơ lạm dụng nhân quyền khi “im lặng với những sai phạm trong khi lại lên án một cách sai lầm những nước không làm gì sai”.

Bà Haley khẳng định quyết định này “không phải là bước thối lui khỏi các cam kết nhân quyền của chúng tôi”.

Quyết định này không bất ngờ khi chính phủ Trump không lâu sau khi nhậm chức đã đe dọa rút khỏi UNHRC nếu tổ chức 43 thành viên này không cải cách. Từ tuần trước, các cuộc đối thoại về cải cách UNHRC đã thất bại, không đáp ứng yêu cầu của Mỹ và Reuters đã dự đoán chính phủ Trump sẽ quyết định rút.

UNHCR mỗi năm gặp nhau ba lần xem xét các vi phạm nhân quyền toàn cầu. Các nghị quyết của UNHCR không mang giá trị ràng buộc nhưng có sức mạnh đạo đức và để các nước tham khảo.

Rút khỏi UNHRC là hành động đơn phương rút khỏi một thỏa thuận quốc tế mới nhất của Mỹ, sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-6, thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-6, thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: REUTERS

Ngay sau quyết định này của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng hoan nghênh. Mỹ lâu nay vẫn là nước che chở đồng minh Israel tại LHQ. Tuy nhiên, EU cảnh báo quyết định của Mỹ “có nguy cơ hủy hoại vai trò dẫn đầu và ủng hộ dân chủ trên thế giới của Mỹ”. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói lấy làm tiếc vì điều này, khẳng định UNHRC là “công cụ tốt nhất của cộng đồng quốc tế trong giải quyết lạm dụng nhân quyền”.

Ngoài ra, động thái của Mỹ khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền lo ngại rồi đây việc phát triển nhân quyền toàn cầu sẽ khó khăn hơn. Nhiều tổ chức nhân quyền chỉ trích chính phủ Trump không ưu tiên chuyện nhân quyền trong chính sách đối ngoại, rằng quyết định này gửi đi một thông điệp rằng Mỹ nhắm mắt trước chuyện lạm dụng nhân quyền ở nhiều nơi trên thế giới.

12 tổ chức nhân quyền và cứu trợ nhân đạo, trong đó có ưu tiên nhân quyền, cứu lấy trẻ em, CARE cảnh báo ông Pompeo rằng quyết định rút của Mỹ sẽ khiến “các hoạt động ưu tiên nhân quyền và giải cứu nạn nhân bị lạm dụng nhân quyền trên thế giới gặp thêm khó khăn”.

Ngoài ra, theo Reuters, việc ra mặt ủng hộ Israel có thể xem là hành động củng cố suy nghĩ của người Palestine rằng Mỹ không thể là nước trung lập trong tìm kiếm hòa bình Trung Đông. Không lâu trước Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, sau khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, dù người Palestine xem Đông Jerusalem là thủ đô nhà nước tương lai của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm