Mỹ phản đối Trung Quốc xây đường băng

Ngày 14-9, Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc đang xây dựng đường băng trên đá Vành Khăn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khăng khăng cho rằng Trung Quốc xây dựng hợp pháp.

Người phát ngôn đưa ra lập luận không thể hiểu nổi: Trung Quốc là nước lớn, có bờ biển trên biển Đông rộng nhất nên Trung Quốc có khả năng và nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự trên biển Đông để cung ứng thêm nữa dịch vụ công và tài sản.

Trước sự kiện này, hãng thông tấn PTI (Ấn Độ) đưa tin ngày 14-9 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban tuyên bố Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động đơn phương và gây bất ổn như củng cố yêu sách chủ quyền bằng cách bồi đắp xây đảo nhân tạo.

Ông giải thích Mỹ tin rằng các nước tranh chấp dừng cải tạo đất, xây dựng mới và quân sự hóa các tiền đồn sẽ làm giảm căng thẳng và tạo không gian cho các giải pháp ngoại giao.

 
Hình ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn ngày 8-9 cho thấy Trung Quốc chuẩn bị xây đường băng thứ ba ở biển Đông. Ảnh: CSIS/AMTI

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi ghi nhận hồi tháng 8 Trung Quốc đã tuyên bố dừng cải tạo đất. Cùng lúc đó Trung Quốc lại thông báo ý định xây dựng nhiều cơ sở khác, bao gồm vì mục đích quân sự”.

Ông cho biết Mỹ chia sẻ với khu vực trong vấn đề bảo đảm ổn định và duy trì an ninh dựa trên các tiêu chuẩn đã thiết lập, do đó Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng để đạt mục đích ở châu Á dựa theo chiến lược an ninh hàng hải châu Á-Thái Bình Dương đã công bố mới đây.

Trong khi đó tại London (Anh), các chỉ huy hải quân Nhật và Trung Quốc đã khẩu chiến tại bàn tròn về sức mạnh hàng hải ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương do Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh tổ chức hôm 14-9.

Trang web Defense News (Mỹ) mô tả Chuẩn Đô đốc Nhật Umio Otsuka ngồi gần Chuẩn Đô đốc Viên Ngọc Bạch, Tư lệnh hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc. Một đô đốc Mỹ ngồi giữa hai nhân vật này.

Trong tọa đàm, ông Umio Otsuka nhận xét tình hình căng thẳng gia tăng ở biển Đông và “một tác nhân quốc gia” (ám chỉ Trung Quốc) đã có hoạt động đe dọa luật pháp quốc tế trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.

Ông nói: “Xét các biện pháp do tác nhân nhà nước ấy tiến hành thì răn đe là biện pháp quan trọng”.

Ông nêu lên nguy cơ từ tình trạng sử dụng tàu đánh cá dân sự hoạt động như lực lượng dân quân biển trong quá trình đánh bắt trong vùng biển tranh chấp.

Ông đề cao vai trò của Mỹ trong khu vực và tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp giải pháp răn đe hiệu quả”.

Chuẩn đô đốc Viên Ngọc Bạch “lưu ý về sự việc đô đốc Nhật vừa bình luận”.

Ông khăng khăng cho rằng biển Đông là vùng biển thuộc về Trung Quốc, tình hình hiện nay ở biển Đông là an toàn và bảo đảm tự do hàng hải. Ông cho biết Trung Quốc đang thảo luận với Mỹ về một bộ quy tắc ứng xử khi các máy bay gặp nhau.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), nhận định rõ ràng các đảo nhân tạo được sử dụng vì mục đích quân sự như các trạm tiền tiêu.

Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa tin quân đội Trung Quốc đã điều động ba tàu, bảy máy bay và 1.160 quân thuộc hải, lục, không quân tham gia cuộc tập trận chung đầu tiên với Malaysia. Tập trận diễn ra từ ngày 17 đến 22-9 tại eo biển Malacca và khu vực lân cận. Tham gia tập trận có tàu khu trục Lan Châu, tàu hộ tống Nhạc Dương, tàu bệnh viện Hòa bình và ba trực thăng.

__________________________________

Ý đồ tiếp tục xây đảo nhân tạo của Trung Quốc không góp phần làm giảm căng thẳng hoặc dẫn đến giải pháp ngoại giao có ý nghĩa.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ BILL URBAN

Lực lượng phòng vệ biển Nhật sẽ xúc tiến duy trì năng lực răn đe hiệu quả ở biển Đông và tìm kiếm khuôn khổ đa phương trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chuẩn đô đốc Nhật UMIO OTSUKA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm