Mỹ nói gì khi Trung Quốc đe dọa trừng phạt liên quan Đài Loan?

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28-10 đã bác bỏ lời đe dọa của Trung Quốc trừng phạt các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, khẳng định chính Bắc Kinh chứ không phải Washington đang gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực.

Trước đó vào ngày 26-10, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lockheed Martin và Boeing Defense – một bộ phận của tập đoàn Boeing trong thương vụ bán vũ khí mới cho Đài Loan trị giá gần 2 tỉ USD.

“Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ” – hãng tin AFP dẫn lời ông Clarke Cooper, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách bán vũ khí, tuyên bố.

Ông R. Clarke Cooper trò chuyện với sĩ quan Không quân Mỹ trong một cuộc triển lãm hàng không ở Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ảnh: DEFENSE NEWS

Ông nói với một nhóm phóng viên khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc: “Đã có những lời đe dọa và đã có những lời khiêu khích về điều đó”.

Theo luật Mỹ, nước này có nghĩa vụ cung cấp vũ khí tự vệ cho Đài Loan, hòn đảo ly khai mà Bắc Kinh luôn coi là lãnh thổ không thể tách rời.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan với tần suất ngày càng lớn, trong khi các bộ phim tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh chiếu cảnh tấn công mô phỏng nhằm vào vùng lãnh thổ bên kia eo biển Đài Loan.

An ninh của Đài Loan là trung tâm của sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - ông Cooper khẳng định, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc từ lâu đã hiểu rằng Mỹ sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Ông nói: “Các hành vi khiêu khích đến từ Bắc Kinh - hành vi bắt nạt, như người ta có thể đánh giá - đó là nơi những kẻ khiêu khích nói dối, chứ không phải với việc Đài Loan đang duy trì khả năng tự vệ của mình”.

“Nếu xảy ra bất cứ điều gì, chúng tôi đang đảm bảo rằng Đài Loan không bị Bắc Kinh bắt nạt hoặc đánh bại” – quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21-10 đã thông qua thương vụ bán tên lửa hành trình SLAM-ER, pháo phản lực HIMARS và hệ thống cảm biến trị giá hơn 1,8 tỉ USD cho Đài Loan.

Sau khi Trung Quốc lên tiếng phản đối thương vụ này, chính quyền Tổng thống Trump hôm 26-10 thông báo với Quốc hội rằng họ ủng hộ đề xuất bán cho Đài Loan 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon do Boeing chế tạo trị giá gần 2,4 tỉ USD, theo kênh Channel News Asia.

Mỹ chỉ công nhận Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được điều này.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày càng lên tiếng ủng hộ Đài Loan, bao gồm hai chuyến thăm gần đây của các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ.

Ông Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, gần đây cũng đã cam kết trong một bài đăng trên tạp chí World Journal - một tờ báo nhắm vào người Mỹ gốc Hoa - sẽ “làm sâu sắc hơn” quan hệ với Đài Loan.

Ông Biden gọi Đài Loan là "nền dân chủ hàng đầu, nền kinh tế lớn, thế lực công nghệ" và ca ngợi thành công đặc biệt của hòn đảo này trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19, vốn được ghi nhận lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc trước khi lan rộng ra toàn thế giới.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm