Mỹ náo loạn vì Trump ra lệnh cấm người Hồi giáo vào Mỹ

Ngày 28-1, hệ thống nhập cư Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sự hỗn loạn này không chỉ ở bộ phận người tị nạn mà cả với những cư dân hợp pháp tại Mỹ, theo Reuters.

Thực hiện lời hứa tranh cử của mình, ngày 27-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm người nhập cư và người tị nạn từ 7 nước Hồi giáo – Syria, Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen - vào Mỹ trong 4 tháng. 4 tháng này là thời gian để nội các mới của ông Trump hoàn thiện các quy định giám sát người tị nạn, người nhập cư và du khách đến Mỹ.

“Tôi sẽ lập ra các biện pháp mới chặn các tên khủng bố Hồi giáo không vào được Mỹ. Tôi không muốn chúng có mặt ở đây” – ông Trump nói ngày 27-1.

Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức. Ông Trump cho rằng động thái này sẽ bảo vệ người dân Mỹ khỏi nguy cơ khủng bố.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 27-1, vừa ra sắc lệnh cấm dân 7 nước Hồi giáo vào Mỹ. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 27-1, vừa ra sắc lệnh cấm dân 7 nước Hồi giáo vào Mỹ. Ảnh: REUTERS

Tình trạng hỗn loạn xuất hiện nhiều tại các sân bay trong khi các nhân viên hải quan và người nhập cư thi nhau giải thích cách hiểu của mình về các quy định mới mà ông Trump ban hành cho nhau nghe. Nhiều người là cư dân hợp pháp ở Mỹ còn đang trên máy bay vào Mỹ khi ông Trump ra sắc lệnh, và ngỡ ngàng khi bị chặn lại ở sân bay.

“Tưởng tượng bạn bị chặn giữ sau một chuyến bay dài 12 tiếng, thật sốc và điên rồ. Họ là những người đến Mỹ hợp pháp. Họ có việc làm và xe cộ ở Mỹ” – Reuters dẫn lời luật sư nhập cư Mana Yegani ở Houston (Texas).

Tình trạng của hàng ngàn người tị nạn đang tìm cách vào Mỹ còn bế tắc hơn. Các luật sư nhập cư bận rộn xuyên đêm 27-1 giúp thủ tục cho những người bị kẹt tại các cửa khẩu về nước. Một số luật sư tại New York đã đệ đơn kiện lệnh cấm của ông Trump hy vọng ngăn chặn sắc lệnh này Đơn kiện cáo buộc sắc lệnh của ông Trump vi phạm hiến pháp Mỹ. Họ cho biết nhiều người đã bị bắt giữ trái phép, trong đó có một người Iraq làm việc cho quân đội Mỹ ở Iraq.

Bà Melanie Nezer làm việc tại một tổ chức giúp đỡ người nhập cư Do Thái nói rằng bà biết có khoảng 2.000 người đã đặt chỗ bay đến Mỹ vào tuần tới.

Biểu tình phản đối lệnh cấm người Hồi giáo vào Mỹ của ông Trump tại New York (Mỹ) ngày 27-1. Ảnh: REUTERS

Biểu tình phản đối lệnh cấm người Hồi giáo vào Mỹ của ông Trump tại New York (Mỹ) ngày 27-1. Ảnh: REUTERS

Người Ả Rập ở Trung Đông và Bắc Phi cho rằng lệnh cấm này là sự sỉ nhục và phân biệt đối xử. Các nhóm người Mỹ gốc Ả Rập và các tổ chức nhân quyền cũng như nhiều đồng minh Mỹ ở châu Âu như Pháp, Đức cũng chỉ trích động thái này của ông Trump.

Iran lên án hành động của ông Trump đã “mở một mặt trận chống thế giới Hồi giáo và đất nước Iran”, và thề sẽ trả đũa. Trong 7 nước, Iran là nước có lượng dân đến Mỹ nhiều nhất, khoảng 35.000 người trong năm 2015, theo số liệu từ Bộ Nội vụ Mỹ.

Sudan cho rằng lệnh cấm là “điều rất đáng tiếc” khi Mỹ vừa mới dỡ bỏ trừng phạt Sudan chỉ vài tuần trước và hợp tác chống khủng bố với nước này. Quan chức chính phủ Yemen cũng bày tỏ sự thất vọng về lệnh cấm này.

Ngày 28-1, ông Trump minh định lại sắc lệnh “không phải là một lệnh cấm Hồi giáo”, tuy nhiên lệnh cấm vẫn tiếp tục hứng chỉ trích từ nhiều nước.

Trong ngày 28-1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim chỉ trích lệnh cấm không phải là giải pháp cho vấn đề an ninh Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong số 7 nước bị lệnh cấm ảnh hưởng nhưng là nước đang có nhiều người tị nạn nhất – 3 triệu người, nhiều nhất là người Syria. Theo Thủ tướng Yildirim, các nước phương Tây cần làm nhiều hơn nữa để chia sẻ gánh nặng người tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ.

 “Bạn có thể xây một bức tường nhưng đó không phải là giải pháp. Bức tường đó sẽ sụp đổ như bức tường Berlin” – Thủ tướng Yildirim nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 28-1 tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).

Nhân viên an ninh giám sát hành khách tại sân bay Lindbergh Field ở San Diego (California, Mỹ) ngày 1-7-2016. Ảnh: REUTERS

Nhân viên an ninh giám sát hành khách tại sân bay Lindbergh Field ở San Diego (California, Mỹ) ngày 1-7-2016. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó về phần mình, Thủ tướng May nói Mỹ đã hành động có trách nhiệm trong vấn đề người tị nạn. Bà May vừa có cuộc gặp với ông Trump tại Washington (Mỹ) ngày trước đó, và muốn có một “quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ.

Bà May đang hứng chỉ trích mạnh từ các nghị sĩ Anh, cả các nghị sĩ cùng đảng vì đã không có phản ứng với hành động của ông Trump.

Trong khi đó viết trên Twitter ngày 28-1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông hoan nghênh những người tị nạn khỏi khủng bố và chiến tranh “không kể đến niềm tin tôn giáo”.

“Với những người đang trốn chạy sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh. Canada sẽ hoan nghênh bạn, bất kể niềm tin tôn giáo của bạn. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta” – theo Thủ tướng Trudeau.

Tuy nhiên nhiều hãng bay Canada nói rằng sẽ không nhận khách đã bị Mỹ từ chối nhập cảnh, thể hiện sự đồng tình với lệnh cấm của ông Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm