Mỹ: Luật “Tự do báo chí toàn cầu Daniel Pearl"

Đạo luật này yêu cầu trong báo cáo nhân quyền toàn cầu hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ phải bao gồm cả những thông tin chi tiết về tình hình quyền tự do báo chí và mức độ mà chính phủ các nước ủng hộ hay dung thứ hoặc can dự sâu vào các vụ vi phạm quyền tự do báo chí.


Thêm vào đó, Mỹ sẽ xem xét các hành động mà các chính phủ thực hiện để duy trì an ninh và tính độc lập của truyền thông, và những biện pháp mà các chính phủ cho thực hiện để bảo đảm rằng những ai tấn công hay sát hại các phóng viên sẽ phải bị truy tố.

Được biết, Tổng thống Obama đã ký ban hành luật này tại phòng Bầu Dục, nơi làm việc của Tổng thống ở Nhà Trắng, với tuyên bố đạo luật đã phát đi tín hiệu mạnh về những giá trị cốt lõi của Mỹ liên quan đến quyền tự do báo chí, và về sự ủng hộ của Mỹ dành cho các phóng viên, mà theo lời ông Obama là các phóng viên đang phải đối mặt với những nguy hiểm nghiêm trọng trên toàn cầu.

“Có nhiều phóng viên và người viết blog rất dũng cảm, phải đối đầu với những hiểm nguy cho chính mạng sống của mình, đang cố gắng phanh phui những vấn đề quan trọng mà người dân trong nước họ phải chịu đựng. Chính những phóng viên này đang ở tuyến đầu chống lại nạn bạo quyền và áp bức”, ông Obama phát biểu.

Được biết, cùng có mặt trong buổi lễ ký đạo luật gồm có thân phụ và thân mẫu, ông Judea và bà Ruth, cùng hai người chị em gái, vợ và con trai 8 tuổi của phóng viên xấu số Daniel Pearl. Cậu con trai 8 tuổi đã ra đời được 3 tháng sau khi phóng viên Daniel Pearl bị sát hại trong lúc đang tường trình về hoạt động của al-Qaida tại Pakistan.

Trước đó, luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua tháng 12/2009 với 403 phiếu thuận, 12 phiếu chống, và sau đó cũng đã được Thượng viện nhất trí thông qua hồi tháng 4/2010.

Được biết, luật tự do báo chí Daniel Pearl yêu cầu trong báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ phải bao gồm cả những đánh giá như tấn công đe dọa trực tiếp đối với tính mạng, phạt tù, những áp lực gián tiếp và chế độ kiểm duyệt của các chính phủ, lực lượng quân đội, tình báo hay các nhóm tội phạm, các nhóm nổi dậy hoặc cực đoan có vũ trang.

Tổng thống Obama đánh giá cái chết của phóng viên Daniel Pearl là sự nhắc nhở mạnh mẽ đối với thế giới về mối đe dọa từ những kẻ muốn “bịt miệng” báo chí mà các phóng viên phải đối mặt. Ông Obama nói: “Đạo luật này nhắc nhở chúng ta tự do báo chí có giá trị lớn đối với chúng ta như thế nào, và nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng có những kẻ sẵn sàng đi đến tận cùng để bịt miệng các phóng viên trên khắp thế giới”.

Ngoài ra, ông Obama còn nói đạo luật này sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chính phủ Mỹ đang “quan tâm” tới những gì mà chính phủ các quốc gia khác thực hiện liên quan đến quyền tự do báo chí. Nếu không có sự cảnh báo như thế, thì chính phủ các nước khác có suy nghĩ rằng họ có thể hành động chống lại báo chí mà không bị trừng phạt, ông Obama phát biểu.

Theo An Phú (Vitinfo/ AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm