Mỹ lên án Trung Quốc bố trí tên lửa

Báo Washington Post đưa tin chính quyền Mỹ đã chính thức khẳng định Trung Quốc (TQ) triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Chiều 17-2 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban thông báo hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy TQ đã triển khai tổ hợp tên lửa đất đối không tại một vị trí tiền tiêu trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông và điều này đã làm gia tăng căng thẳng.

Lầu Năm Góc đã kêu gọi các nước có tranh chấp ở biển Đông giải quyết yêu sách chủ quyền phù hợp luật pháp quốc tế, quản lý hoặc giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình.

Lầu Năm Góc cũng kêu gọi ngừng tôn tạo đất, xây dựng cơ sở mới và tiến hành hoạt động quân sự hóa.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố TQ triển khai tên lửa là đi ngược với cam kết đã được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 9 năm ngoái rằng TQ không tiến hành quân sự hóa các đảo tranh chấp trên biển Đông.

Ông nhấn mạnh: “Thế nhưng mỗi ngày bằng chứng đều cho thấy có gia tăng quân sự hóa cách này hay cách khác. Điều này rất đáng quan tâm”.

Ông khẳng định: “Không phải bằng hành động đơn phương, không phải bằng vũ lực và không phải bằng quân sự hóa nhưng bằng ngoại giao và làm việc với các nước khác để giải quyết tranh chấp”.


Vị trí Trung Quốc bố trí tổ hợp tên lửa Hồng Kỳ 9 (HQ-9) trên đảo Phú Lâm. Ảnh: IMAGESAT INTERNATIONAL

Báo New York Times đưa tin thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, đã phát thông báo nêu rõ: “Hành động của TQ trên biển Đông tuần này đã tiếp tục chứng tỏ Bắc Kinh muốn sử dụng quân sự hóa và dọa nạt để đạt được các mục đích chủ quyền hàng hải và coi thường cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình công bố tại Mỹ”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop thông báo trong khuôn khổ chuyến thăm TQ, bà đã nêu ra vấn đề quân sự hóa ở biển Đông trong cuộc trao đổi với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì hôm 18-2.

Khi báo chí hỏi TQ có thừa nhận triển khai tên lửa đất đối không hay không, bà Julie Bishop nói: “Họ không phủ nhận nhưng cũng không thừa nhận. Họ bác bỏ thông tin”.

Hôm 18-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi không khẳng định hay phủ nhận TQ có triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm hay không mà chỉ lặp lại TQ đã bố trí quốc phòng ở các đảo từ nhiều thập niên rồi.

Ngược lại, Thời Báo Hoàn Cầu của TQ dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng TQ lại khẳng định TQ đã triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm trong thời gian dài nhưng không nêu rõ vũ khí gì.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc (giấu tên) nhận xét: “Chúng tôi có đủ khả năng đối phó với loại tên lửa đất đối không này… Chúng tôi tiếp tục có mặt ở biển Đông để củng cố kiểm soát trật tự và duy trì luật pháp quốc tế. Điều này không có gì thay đổi”.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nhận xét sự kiện TQ triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm là hành động leo thang từng bước về sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh ở biển Đông sau khi TQ đã xây dựng đường băng, bố trí pháo phòng không, radar và nhiều thiết bị quân sự khác.

Trung Quốc muốn cảnh báo Mỹ

Phó tổng biên tập tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) Neil Ashdown nhận xét Trung Quốc triển khai tổ hợp tên lửa Hồng Kỳ 9 trên đảo Phú Lâm nhằm phát tín hiệu cảnh báo đến Mỹ và các bên tranh chấp ở biển Đông sau khi tàu chiến Mỹ thực hiện tự do hàng hải hồi tháng 10-2015 (vào sát đá Subi) và tháng 1-2016 (áp sát đảo Tri Tôn).

Ông phân tích quần đảo Hoàng Sa gần Trung Quốc hơn Trường Sa, do đó Trung Quốc cho rằng triển khai tên lửa ở đây ít mang tính chất khiêu khích hơn. Trung Quốc cũng tin rằng triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm có yếu tố vững chắc hơn về pháp lý so với các thực thể khác như đá Subi (đây là đảo chìm khi thủy triều lên trước khi Trung Quốc xây đảo nhân tạo).

TS Tiết Lực ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận xét, Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn khi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa vì Trường Sa xa hơn và có sáu quốc gia đang tranh chấp.

Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 18-2 dẫn lời các nhà quan sát quân sự cho rằng Trung Quốc đã tính toán triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm sau khi tàu chiến Mỹ vào sát đảo Tri Tôn.

Lý Kiệt ở Học viện Hải quân Trung Quốc ghi nhận ưu tiên hiện nay của Trung Quốc là phòng không và nêu ý đồ sắp tới của Trung Quốc: Tùy phản ứng từ Mỹ và các nước lớn, nếu Mỹ căng, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều tên lửa chống tàu đến biển Đông.

Tướng về hưu Từ Quang Dụ dự báo chắc chắn sẽ diễn ra hai sự kiện. Một là máy bay quân sự sẽ thường xuyên lên xuống đảo Phú Lâm, hai là không quân và hải quân Trung Quốc sẽ phối hợp tập trận.

Ông Chu Phong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hợp tác về biển Đông thuộc ĐH Nam Kinh (Trung Quốc), thừa nhận Trung Quốc bố trí tên lửa nhằm bảo vệ các cơ sở quân sự trong khu vực, trong đó có căn cứ hải quân có thể dùng cho tàu ngầm.

Chuyên gia Bonnie Glaser ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) ghi nhận Trung Quốc đã chuẩn bị từ trước hoạt động triển khai tên lửa. Chuyên gia Kenneth G. Lieberthal tại Viện nghiên cứu Brookings lưu ý: “Họ không sử dụng tên lửa để bắn máy bay… Sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến tình huống họ hướng radar đến một tàu nào đó đang thực hiện quyền tự do hàng hải”.

Báo Wall Street Journal dẫn lời GS Rory Medcalf tại ĐH Quốc gia Úc cảnh báo: “Cần phải xem xét đến nguy cơ gia tăng trò ăn miếng trả miếng về chiến lược, đặc biệt là khả năng xảy ra tính toán sai lầm”.

TNL

Trang web guancha.cn (TQ) đưa tin chiều 17-2, Bộ Quốc phòng TQ đã ngang nhiên tuyên bố quần đảo Tây Sa (cách gọi của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là lãnh thổ vốn có của TQ, TQ có quyền lợi hợp pháp, chính đáng bố trí thiết bị phòng vệ để bảo vệ an toàn và chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bộ Quốc phòng còn ngang ngược nói TQ đã bố trí phòng vệ trên biển và trên không ở các quần đảo liên quan từ nhiều năm trước và truyền thông phương Tây chỉ nhai lại thuyết đe dọa từ TQ.

CHU TÂM

Chủ tịch Tập Cận Bình đến đây, tại Washington, ông Tập đứng trong Vườn Hồng với Tổng thống Obama và nói TQ không tiến hành quân sự hóa ở biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ JOHN KERRY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm