Mỹ lăm le tiếp tục trừng phạt Iran

Ngày 18-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng phản đối lệnh cấm vận mới của Mỹ đối với Iran là bất hợp pháp.

Người phát ngôn khẳng định chương trình đạn đạo Iran không được phát triển để có thể mang đầu đạn hạt nhân và Iran sẽ tiếp tục phát triển chương trình đạn đạo hợp pháp và tăng cường năng lực quốc phòng.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo bổ sung năm công dân Iran và sáu doanh nghiệp ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Trung Quốc vào danh sách trừng phạt tài chính của Mỹ.

Lý do vì Iran thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung hai lần vào ngày 10-10-2015 và 21-11-2015, vi phạm cam kết quốc tế.

11 đối tượng bị trừng phạt đã giúp đỡ mua linh kiện tên lửa đạn đạo chuyển về Iran.

Bộ Tài chính giải thích các biện pháp trừng phạt của Mỹ không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân (ký kết ngày 14-7-2015) có hiệu lực hôm 16-1 mà nhằm đáp trả Iran ủng hộ khủng bố, gây bất ổn khu vực, vi phạm nhân quyền và tiến hành chương trình tên lửa đạn đạo.


Iran tham gia tích cực vào kinh tế thế giới sẽ kéo giảm giá dầu trên thị trường chứng khoán. Biếm họa của DARYL CAGLE (Mỹ) 

Ngày 17-1 (giờ địa phương), phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã nói đến lệnh trừng phạt đối với 11 cá nhân và chủ thể của Iran đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ tiếp tục áp đặt trừng phạt nghiêm khắc như thế… Chúng ta sẽ phải giám sát hơn”.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama vẫn ca ngợi sự kiện thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực từ ngày 16-1 là thắng lợi của chính sách ngoại giao thông minh và ca ngợi Iran trả tự do cho năm tù nhân Mỹ.

Tuy nhiên, ông cũng đã nêu lên các bất đồng khác để chứng minh chuyện bình thường hóa quan hệ Mỹ-Iran như giữa Mỹ với Cuba là điều còn xa.

Báo Le Monde (Pháp) bình luận quan hệ Mỹ-Iran còn lâu mới trở lại bình thường. Lý do: Thỏa thuận hạt nhân đạt được chỉ liên quan đến hạt nhân Iran chứ không liên quan đến các bất đồng khác giữa Iran và Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ dự kiến thông báo lệnh trừng phạt mới đối với Iran vào cuối năm vừa qua nhưng còn phải đợi kết quả giải quyết hai hồ sơ quan trọng: Trao đổi tù nhân và giải tỏa tài sản của Iran.

Trao đổi tù nhân: Cuối tuần trước, Iran thông báo trả tự do cho bốn công dân Mỹ gốc Iran, trong đó có nhà báo Jason Rezaian làm việc cho tờ Washington Post (bị buộc tội làm gián điệp). Iran cũng trả tự do cho công dân Mỹ thứ năm trong khuôn khổ ngoại giao.

Đổi lại, Mỹ sẽ trả tự do cho bảy tù nhân Iran bị Mỹ cáo buộc đã bán cho Iran thiết bị công nghiệp đồng thời hủy bỏ truy tố đối với 15 công dân Iran. Thụy Sĩ đứng ra đại diện cho Mỹ đàm phán vấn đề này từ một năm nay.

Hoàn trả tiền cho Iran: Ngày 17-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo Mỹ sẽ hoàn trả cho Iran 1,7 tỉ USD nợ và lãi (gồm 400.000 USD nợ và 1,3 tỉ USD lãi). Khoản tiền nợ này thuộc quỹ ủy thác do Iran lập ra trước đây để mua thiết bị quân sự của Mỹ.

Sau khi xảy ra Cách mạng văn hóa năm 1979 và Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, quỹ ủy thác đã bị phong tỏa. Kết quả Mỹ trả tiền có được căn cứ vào phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan).

Các bất đồng còn tồn tại giữa Mỹ và Iran bao gồm Iran thử nghiệm tên lửa đạn đạo, Iran ủng hộ các tổ chức mà Mỹ cho là khủng bố, Iran gây bất ổn ở Trung Đông như ủng hộ chế độ Syria và hậu thuẫn cho phiến quân Houthi ở Yemen. Dù vậy, Mỹ vẫn nới lỏng một số lĩnh vực làm ăn với Iran. Nhân cơ hội thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, một số biện pháp cấm vận được hủy bỏ, Iran đã chuẩn bị tham gia tích cực hơn nữa vào kinh tế thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm