Mỹ không trung lập ở biển Đông

Mỹ không trung lập khi bàn đến luật pháp quốc tế ở biển Đông. Mỹ đã nhiều lần nói dù Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biển Đông, Mỹ vẫn mong muốn các bên tranh chấp thực hiện đúng luật pháp quốc tế và không sử dụng cưỡng bức.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã phát biểu thẳng thắn như trên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, DC (Mỹ) hôm 21-7 (giờ địa phương).

Ông khẳng định Mỹ khuyến khích các bên ngừng các hoạt động như cải tạo đất và xây dựng cơ sở quân sự. Mục đích nhằm giảm nhiệt để tiếp tục giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Ông cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề này tại Diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng tới ở Malaysia.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ). Ảnh: CSIS

Về con đường giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, ông nhận xét:

Đàm phán song phương là điều khó thực hiện vì các tuyên bố độc đoán rằng “yêu sách chủ quyền là điều không thể tranh cãi” (ám chỉ Trung Quốc nói như thế). Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp thực hiện được như giữa Indonesia và Philippines, Malaysia và Singapore, Bangladesh và Myanmar.

Con đường trọng tài: Đây là trường hợp Philippines kiện Trung Quốc ở tòa trọng tài thường trực La Haye. Ông Daniel Russel cho rằng kết quả phiên tòa không quan trọng mà quan trọng là Bắc Kinh và Manila tuân thủ phán quyết của tòa vì hai nước đã ký Công ước LHQ về Luật Biển.

Ông khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích riêng theo nhiều cách như tôn trọng các cam kết về an ninh, hỗ trợ phát triển cho các tổ chức khu vực, đầu tư xây dựng kiến thức hàng hải, bảo đảm quyền tự do hàng hải ở biển Đông.

Tóm tắt quan điểm của Mỹ về vấn đề tranh chấp ở biển Đông, ông nhấn mạnh vấn đề không phải là đá hay bãi cạn mà là bảo đảm duy trì luật pháp.

Trong khi đó, báo Inquirer (Philippines) đưa tin tại cuộc họp báo ngày 22-7, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa tuyên bố Trung Quốc kêu gọi Philippines rút đơn kiện Trung Quốc và trở lại bàn đàm phán song phương.

Báo Philippines nhận định Trung Quốc ngày càng lấn tới trên biển Đông. Bằng chứng là ngày 22-7, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng hàng loạt dự án ở quần đảo Nam Sa (cách gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Các dự án xây dựng gồm trung tâm nghiên cứu biển, vườn bách thảo, cơ sở dữ liệu các loài, các trạm kiểm soát môi trường, đơn vị phản ứng khẩn cấp khi có dầu tràn.

Cục Hải dương quốc gia cũng sẽ thiết lập một trung tâm kiểm soát hàng hải, các cơ sở viễn thông và giao thông, một cơ sở quá cảnh và cung cấp. Tất cả dự án đều khoác vỏ bọc bảo vệ môi trường, bảo vệ giống loài, hỗ trợ cho tàu bè ngư dân ghé qua…

Liên quan đến chuyến thăm ba nước Philippines, Hàn Quốc, Nhật của Đô đốc Mỹ Scott Swift, tân tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), tại chặng dừng chân cuối cùng ở Tokyo ngày 21-7, ông tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục bay tuần tra ở biển Đông cho dù Trung Quốc có phản đối. Ông khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện quyền của Mỹ và mọi quốc gia tiến hành hoạt động trong vùng biển quốc tế”.

Trong khi đó, Tân Hoa xã thông báo ngày 22-7 Trung Quốc sẽ tập trận 10 ngày ở vùng biển đảo Hải Nam. Tướng Chu Thành Hổ tại ĐH Quốc phòng Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận không liên quan đến chuyến bay giám sát biển Đông của Đô đốc Mỹ Scott Swift và trong cuộc tập trận sẽ tiến hành thử nghiệm chiến lược và vũ khí hải quân.

__________________________________

25% là mức tăng ngân sách quốc phòng của Philippines trong năm 2016. Dự toán ngân sách sẽ được chuyển cho Quốc hội vào tuần tới với mức 25 tỉ peso so với 20 tỉ peso năm ngoái. Ngân sách dành ưu tiên mua tàu hộ tống và máy bay trinh sát.

Họ bay trong không phận quốc tế. Họ có quyền tự do bay qua mà.

(Bộ Ngoại giao Philippines nói về chuyến bay giám sát của Đô đốc Mỹ Scott Swift)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm