Mỹ khẩn cấp kêu gọi không khiêu khích ở biển Đông

Ngày 12-7 (giờ địa phương), người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Mỹ kêu gọi các nước châu Á-Thái Dương không hành động leo thang hay khiêu khích ở biển Đông sau phán quyết trọng tài. Phát biểu với báo chí trên chuyên cơ Air Force One đưa Tổng thống Obama đến Dallas, ông kêu gọi các bên công nhận tính chất cuối cùng và ràng buộc của phán quyết trọng tài.

Ông nói Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở biển Đông nhưng Mỹ tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, duy trì năng lực bảo vệ tự do hàng hải và thương mại của Mỹ.

Báo New York Times đưa tin các nghị sĩ Thượng viện Mỹ đã hoan nghênh phán quyết trọng tài. Nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, tuyên bố Mỹ phải bảo vệ tự do hàng hải, hàng không bằng cách tăng cường tuần tra ở biển Đông và biển Hoa Đông. Nghị sĩ Ben Cardin cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Nghị sĩ John McCain tuyên bố Mỹ phải làm rõ lợi ích của Mỹ trong việc ngăn chặn tôn tạo và quân sự hóa các vị trí chiến lược như bãi cạn Scarborough. Nghị sĩ Dan Sullivan đề nghị Mỹ cần làm cho Philippines nhận thấy Mỹ đang đứng sau ủng hộ Philippines.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết. Người phát ngôn John Kirby khẳng định Mỹ sẽ duy trì tuần tra tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Ông tuyên bố trong mấy tuần qua Mỹ ghi nhận có dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở biển Đông.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo ở Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố phán quyết là cơ hội để các nước trong khu vực hành động phù hợp với tinh thần lấy luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp.

Trả lời CNBC, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhận xét khi ký kết UNCLOS, Trung Quốc cần hiểu rằng phải từ chối mọi chủ quyền lịch sử trước đó đối với lãnh thổ tranh chấp.

Ông nhận xét: “Tòa (Tòa trọng tài) là một trong các định chế quan trọng nhất được lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai với nỗ lực sắp xếp trật tự trong một thế giới phát triển mất trật tự giữa hai cuộc chiến thế giới. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là không những tiếp tục duy trì mà phải ủng hộ nỗ lực của các tòa án quốc tế”.

Ông nhấn mạnh khi một quốc gia đe dọa tự do hàng hải theo cách nào đó thì đó là vấn đề quan trọng. Ông đề nghị: “Mỹ cần làm rõ cho các đồng minh và bạn bè rằng tự do hàng hải là điều không thể thương lượng”.

Tại Úc, phát biểu với hãng truyền thông ABC, Ngoại trưởng Julie Bishop tuyên bố uy tín và tham vọng trở thành cường quốc thế giới của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc bác bỏ phán quyết. Bà nhấn mạnh: “Không công nhận phán quyết là hành động vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng”.

Bà cho biết trong những ngày tới bà sẽ trao đổi với những người đồng cấp Trung Quốc và Philippines cũng như đề nghị thảo luận về phán quyết tại các hội nghị sắp tới của ASEAN và hội nghị cấp cao Đông Á vào giữa tháng 7. Bà khẳng định Úc tiếp tục thực hiện tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm