Mỹ kêu gọi đừng để cuộc bầu cử sắp tới ở Syria 'đánh lừa'

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 15-3 nhân sự kiện tròn 10 năm nổ ra xung đột Syria, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng để “bị lừa” bởi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Syria, theo hãng tin AFP.

Mỹ chỉ trích cuộc bầu cử của Syria

“Những cuộc bầu cử này sẽ chẳng tự do cũng không công bằng. Chúng sẽ không hợp pháp hóa chính phủ của ông Assad” – bà Thomas-Greenfield nói, nhắc tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Người dân Syria tập trung tại tỉnh Idlib do phe nổi dậy kiểm soát hôm 15-3. Ảnh: CNN

Nhà ngoại giao Mỹ nói với các thành viên của Hội đồng rằng cuộc bầu cử sắp diễn ra vào mùa hè này không đáp ứng tiêu chí được nêu trong Nghị quyết 2254, trong đó quy định bầu cử sẽ được LHQ giám sát hoặc được tiến hành theo hiến pháp mới.

Bà Thomas-Greenfield nói Mỹ, nước giữ chức chủ tịch HĐBA luân phiên, đã quyết định tổ chức cuộc họp hàng tháng về Syria hôm 15-3 do ngày này trùng với kỷ niệm 10 năm bắt đầu xung đột Syria năm 2011.

Cột mốc này thúc đẩy một tuyên bố từ Mỹ và các đồng minh châu Âu lớn của Mỹ. Tuyên bố thề đoàn kết với người dân Syria sau nhiều năm “lạm dụng, hành động tàn bạo và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế” cũng như tham những trên diện rộng và quản lý kinh tế yếu kém.

“Chúng tôi, ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Ý, Anh và Mỹ sẽ không từ bỏ người dân Syria” – tuyên bố nhấn mạnh.

“Các quốc gia chúng tôi cam kết tiếp tục theo đuổi giải pháp hòa bình vốn bảo vệ các quyền và sự thịnh vượng trong tương lai của tất cả người Syria. Chúng tôi không cho phép bi kịch này kéo dài thêm một thập niên nữa” – tuyên bố có đoạn.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng tình hình bất ổn vào tháng 3-2011 là do thế lực bên ngoài khuấy động.

“Mục đích của họ là nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp của Syria và định dạng lại đất nước theo bàn tay của họ” – ông Nebenzia nói. Ông kêu gọi tất cả tay súng nước ngoài rút khỏi Syria.

 “Người Syria thật sự tuyệt vọng”

Pháp, nước cai trị Syria từ năm 1920 tới năm 1946 không ủng hộ lập trường của Mỹ về phản đối cuộc bầu cử ở Syria, thay vào đó Pháp kêu gọi một cuộc bầu cử đáng tin cậy.

Phó Đại sứ Pháp Nathalie Broadhurst nói rằng sẽ không có sự hòa giải  xung đột nếu không có bầu cử tự do và minh bạch dưới sự giám sát của LHQ.

Bà Broadhurst nói thêm cộng đồng người Syria ở nước ngoài cũng phải được phép bỏ phiếu.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tại Syria – ông Philip Spoerri nói rằng có bế tắc chính trị và khủng hoảng kinh tế sâu sắc tại nước này.

Người đàn ông Syria ôm con băng qua đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy sau một cuộc không kích ở Aleppo tháng 9-2016. Ảnh: CNN

“Người Syria thực sự tuyệt vọng” – ông Spoerri nói. Ông nói thêm trẻ em trong những trại tị nạn không được đến trường sẽ không có tương lai.

Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfield kêu gọi chính phủ ông Assad phóng thích những người bị bắt giữ tùy tiện, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi.

Đại sứ Nga Nebenzia nhất trí rằng người Syria cần viện trợ quốc tế tập thể. Năm ngoái, Nga đã buộc giảm số lượng các điểm tiếp nhận viện trợ vào Syria.

Điểm tiếp nhận hàng viện trợ duy nhất còn hiệu lực là tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, được HĐBA cho phép hoạt động đến tháng 7 song Nga ám chỉ sẽ phản đối.

Phái viên Syria tại LHQ Geir Pedersen kêu gọi tạo ra một định dạng quốc tế mới để khởi động lại một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Nhắc tới “những người chơi quốc tế quan trọng”, ông Pedersen nói rằng định dạng này nên bao gồm Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước Ả Rập. Nhiều quốc gia trong số đó đang xem xét để Syria trở lại Liên minh Ả Rập.

Sau thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng kiểm soát lãnh thổ Syria không thay đổi

Chiến tranh ở Syria bắt đầu bằng một cuộc biểu tình hôm 15-3-2011 ở tỉnh Deraa, phía nam đất nước. Khi đó, một nhóm sinh viên viết trên tường trường học: “Kế đến sẽ đến lượt ông, bác sĩ à!”, nhắc tới nghề nghiệp trước đây của ông Assad, theo hãng tin Anadolu.

Khi có thêm hàng ngàn người xuống đường yêu cầu cải cách, các cuộc biểu tình nhanh chóng lan sang các tỉnh khác của Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại cuộc gặp ở TP Sochi (Nga) tháng 5-2018. Ảnh: CNN

Dán nhãn những người yêu cầu thay đổi là “những kẻ khủng bố”, chính phủ ông Assad huy động binh sĩ và lực lượng an ninh bảo vệ sự tồn tại của chính phủ.

Việc sử dụng vũ lực của chính phủ đã biến các cuộc biểu tình công cộng hòa bình thành nội chiến. Những cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng chính phủ Damascus và các nhóm đối lập quân sự tập hợp dưới biểu ngữ Quân đội Syria Tự do (FSA) bắt đầu nổ ra năm 2012.

Thông qua các cuộc tấn công dữ dội và phong tỏa tàn bạo, trong nhiều năm qua, các nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn và lực lượng chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn đã giành lại phần lớn lãnh thổ bị mất.

Theo Cơ quan Tị nạn LHQ, khoảng 6,6 triệu người Syria phải ly hương. Trong đó, có khoảng 3,7 triệu người Syria tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước năm 2011, dân số Syria khoảng 22-23 triệu người.

Theo Văn phòng Phối hợp vấn đề nhân đạo của LHQ, trong khi 6,7 triệu người bị thay đổi nơi sinh sống trong nước, ít nhất 13 triệu người ở Syria cần viện trợ nhân đạo.

Sau thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hôm 5-3-2020, tình trạng kiểm soát lãnh thổ Syria của các bên xung đột không thay đổi.

Chính phủ Damascus và những nước ủng hộ kiểm soát hoàn toàn các tỉnh phía nam Daraa, Quneitra, thủ đô Damacus, Latakia và Tartus nằm trên bờ biển Đông Địa Trung Hải và tỉnh Homs ở miền trung đất nước.

Lực lượng chính phủ Syria cũng thống trị trung tâm Hama ở miền trung đất nước, tỉnh Aleppo ở phía bắc và tỉnh Deir Ez-Zor ở phía đông. Những khu vực này chiếm hơn 60% diện tích lãnh thổ Syria.

Phe đối lập hiện kiểm soát vùng phi quân sự Idlib (tây bắc Syria) – khu vực được giải phóng khỏi khủng bố nhờ Chiến dịch Lá chắn Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ, TP Afrin sạch bóng khủng bố sau Chiến dịch Cành ô liu của Thổ Nhĩ Kỳ và các quận Tel Abyad và Ras al-Ayn được giải phóng sau Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông sông Euphrates.

Lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát các quận Manbij, Tel Rıfat ở phía bắc Syria và một số khu vực ở đông Euphrates.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trấn giữ một vùng lãnh thổ nhỏ - sa mạc Homs dưới sự bao vây của chính phủ ông Assad.

Nga nói chiến tranh Syria đã kết thúc, Mỹ bị lên án
Nga nói chiến tranh Syria đã kết thúc, Mỹ bị lên án
(PLO)- Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng những mục tiêu quan trọng nhất đối với Syria bây giờ là cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường và thúc đẩy tiến trình chính trị về giải quyết khủng hoảng nhằm đạt được sự ổn định lâu dài ở Syria cũng như Trung Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm