Mỹ hay Trung Quốc sẽ thắng trong cuộc chiến Huawei?

Mỹ những năm gần đây liên tục cáo buộc tập đoàn thiết bị - công nghệ viễn thông Huawei là công cụ để chính phủ Trung Quốc (TQ) do thám an ninh các nước khác. Mỹ đã ban lệnh cấm cơ quan chính phủ liên bang sử dụng sản phẩm Huawei vì lo ngại linh kiện, công nghệ của Huawei mang lại rủi ro an ninh.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Huawei và 68 công ty con vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Theo đó các công ty viễn thông Mỹ không được bán sản phẩm, linh kiện cho Huawei, trừ trường hợp cụ thể được chính phủ Mỹ cân nhắc cho phép.

Bên cạnh đó Washington còn vận động các nước đồng minh không cho Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông không dây 5G.

Dù vậy chính quyền Bắc Kinh và Huawei luôn khẳng định không liên can hoạt động gián điệp như Mỹ cáo buộc.

Chọn Mỹ hay Huawei?

Hiện một số nước châu Âu vẫn đang cân nhắc việc có nên cho phép các tập đoàn, công ty viễn thông trong nước hợp tác, sử dụng công nghệ của Huawei hay phải tẩy chay Huawei theo áp lực của Mỹ.

Trong số các nước đồng minh, Anh được đánh giá là nước nhạy cảm nhất với áp lực từ Mỹ. London suốt nhiều tháng qua đã cân nhắc nhưng vẫn chưa quyết định được liệu có nên cho phép Huawei cung cấp công nghệ 5G hay không. Hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace từng tuyên bố sẽ sớm công bố quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, tới thời điểm này Anh vẫn chưa có lệnh cấm chính thức và các công ty viễn thông ở Anh vẫn giữ tâm thế chờ hợp tác với Huawei.

Pháp đang thận trọng với việc ra mắt mạng lưới 5G và đang tranh luận về một dự luật siết chặt hơn các quy định an ninh. Dự luật không nhắm trực tiếp vào Huawei, do đó gã khổng lồ công nghệ TQ vẫn có cơ hội giành được hợp đồng khi Paris đang có ý định đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới 5G vào năm 2020.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tìm cách dung hòa áp lực từ phía Mỹ và quyền lợi quốc gia. Hồi tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin sẽ không cấm bất kỳ công ty viễn thông nào tham gia đấu thầu xây dựng mạng lưới 5G mà chỉ dựa trên xuất xứ của công ty đó, ám chỉ Huawei của TQ.

Đến thời điểm này chính phủ Đức vẫn bảo vệ quyết định cho phép Huawei hoạt động ở thị trường trong nước và cho biết sẽ không loại Huawei khỏi dự án xây dựng mạng 5G ở Đức. Tuy nhiên Quốc hội Đức đang cân nhắc khả năng ra quy định cụ thể về hoạt động của Huawei và có thể thắt chặt hơn các hướng dẫn an ninh đối với việc lắp đặt mạng viễn thông 5G.

Trong khi chờ chính phủ ra quyết định chính thức thì Telefonica Deutschland, một trong những hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu của Đức đã lên sẵn kế hoạch hợp tác với Huawei và Nokia trong xây dựng mạng lưới 5G.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) chụp ảnh bằng một chiếc điện thoại di động Huawei, trong bối cảnh Mỹ đang vận động đồng minh Anh tẩy chay Huawei. Ảnh: ITV

Cửa thắng của Mỹ rộng đến đâu?

Bên cạnh một số nước đồng minh còn băn khoăn thì đến thời điểm này cũng đã có nhiều nước châu Âu nói rõ sẽ không vì áp lực của Mỹ mà tẩy chay Huawei.

Tuần trước Bồ Đào Nha trở thành nước mới nhất thông báo sẽ cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G trong nước, bất chấp áp lực từ Mỹ. Đáng chú ý, quyết định của Bồ Đào Nha được đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến nước này. Thăm Bồ Đào Nha, ông Pompeo một lần nữa cảnh báo lãnh đạo nước này không hợp tác với các mạng lưới 5G “không đáng tin”, ý muốn nói đến Huawei. Ông Pompeo cũng đề nghị các nước đồng minh “đánh giá cẩn thận rủi ro của việc đầu tư của TQ và các lĩnh vực chiến lược và nhạy cảm”.

50 hợp đồng thương mại phát triển mạng lưới 5G, hơn một nửa trong đó là ở châu Âu đã được Huawei ký kết. 

Hungary thời điểm này vẫn chưa ra mắt mạng lưới 5G nhưng đã lên kế hoạch phát triển vào cuối năm 2019. Đầu năm nay Hungary bác bỏ cáo buộc chống lại Huawei của Mỹ, nói rằng không có chứng cứ nào cho thấy Huawei mang lại rủi ro với các nước Liên minh châu Âu (EU) và khối NATO.

Tại Thụy Sĩ, một số vụ biểu tình ở một số địa phương đã nổ ra nhằm phản đối việc phát triển mạng lưới 5G vì lo ngại công nghệ này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, các công ty điều hành viễn thông nước này vẫn duy trì làm việc. Tập đoàn viễn thông hàng đầu Thụy Sĩ Sunrise đã ra mắt mạng lưới 5G với sự hợp tác của Huawei, bao phủ 150 thành phố và khu vực nông thôn.

Tại Tây Ban Nha, dịch vụ 5G di động thương mại của nước này ra mắt hồi tháng 6 đã sử dụng thiết bị của Huawei. Mạng lưới này bao phủ 15 thành phố lớn của nước này, trong đó có Madrid, Barcelona, Valencia, Seville.

Một nước không phải đồng minh của Mỹ nhưng rất quan trọng với Huawei trong cuộc chiến chống lại áp lực tẩy chay từ Mỹ, đó là Nga. Moscow dù đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ nhưng không có dấu hiệu sẽ khuất phục trước Washington. Các công ty viễn thông Nga vẫn đang tích cực hợp tác với Huawei phát triển mạng 5G.

Hồi tháng 8, Huawei đã giúp công ty viễn thông MTS của Nga thí điểm 5G ở thủ đô Moscow. Huawei cũng giúp Nga xây dựng mạng lưới 5G ở TP Kronshtadt, nơi đầu tiên của Nga được bao phủ 5G hoàn toàn.

Với thực tế trên thì có thể thấy cửa thành công của Mỹ trong việc vận động các đồng minh tẩy chay Huawei không rộng nếu không muốn nói là quá hẹp. Theo chuyên gia Handel Jones, Tổng giám đốc International Business Strategies (Mỹ), các chiến lược của Mỹ nhằm cố gắng cô lập Huawei gần như không thể phát huy tác dụng.

Huawei muốn độc lập khỏi linh kiện Mỹ

Báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn báo cáo từ hai công ty công nghệ UBS (Mỹ) và Fomalhaut Techno Solutions (Nhật) cho biết từ tháng 5 Huawei đã bắt đầu có các bước đi để không phải lệ thuộc vào nguồn linh kiện nhập từ Mỹ.

Các chuyên gia công nghệ Mỹ, Nhật tham gia soạn báo cáo cho biết các điện thoại mới nhất của Huawei không sử dụng linh kiện nhập từ Mỹ.

Ông John Suffolk, lãnh đạo cấp cao về an ninh mạng của Huawei, khẳng định “toàn bộ linh kiện để xây dựng mạng lưới 5G của chúng tôi giờ không còn lệ thuộc Mỹ nữa”. Ông Suffolk cũng cho biết “chúng tôi vẫn muốn tiếp tục sử dụng linh kiện của Mỹ… nhưng điều này nằm ngoài tầm tay chúng tôi”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm