Mỹ gia tăng ‘diều hâu’ trước Trung Quốc

Chưa đầy 10 ngày kể từ khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố với truyền thông rằng nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc (TQ) đã được tháo gỡ thì Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố tiếp tục kế hoạch áp thuế 25% lên hàng hóa xuất khẩu của TQ, dự kiến có giá trị lên đến 50 tỉ USD trong tháng tới.

Nhân tố Triều Tiên được giải quyết

Sẽ còn tốn nhiều giấy mực để thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên dự kiến vào tháng 6 tới đây tại Singapore. Giới quan sát vẫn hoài nghi về những dấu hiệu nồng ấm trong quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như những hứa hẹn kết quả cuộc gặp , khi khâu chuẩn bị cho cuộc gặp mặt Trump-Kim có dấu hiệu gấp gáp, vội vàng, thiếu chắc chắn như các chương trình nghị sự thông lệ của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vốn không quá cầu kỳ vào các nội dung thượng đỉnh, đó là chuyện của ngày 12-6.

Trong khi đó, đội ngũ đàm phán thương mại của Trump do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu sẽ đến Bắc Kinh vào cuối tuần này mới là vấn đề cấp thiết. Thứ nhất, đây là vòng đàm phán thứ ba và chính quyền Trump không còn nhiều thời gian để thực hiện lời hứa đòi lại sự công bằng cho nền công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ Mỹ trước TQ. Hơn nữa, hai vòng đàm phán vừa qua, Washington bị chỉ trích là yếu ớt và không đạt được ưu thế nào đáng kể trước nhà đàm phán kinh tế kỳ cựu Lưu Hạc - Phó Thủ tướng TQ.

Cho đến lúc trước thời điểm vòng đàm phán thứ ba diễn ra, gần như TQ không mất gì “cốt lõi” ngoài lời hứa chung chung, mơ hồ về việc sẽ gia tăng việc nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Tình thế hiện nay cho thấy tham vọng cắt giảm thâm hụt thương mại lên đến 200 tỉ USD của Mỹ với TQ, theo người đứng đầu bộ phận châu Á của công ty nghiên cứu Oxford Economics Louis Kuijs, là bất khả thi. Đó là chưa kể Oxford Economics dự báo thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ có thể tăng 100 triệu USD trong năm nay.

Tổng thống Trump (trái) và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Ảnh: WBUR

Ngoài vấn đề chia rẽ thành hai trường phái, một dung hòa và một thì “diều hâu” với Bắc Kinh, yếu tố Triều Tiên chính là khúc mắc trong đàm phán thương mại Mỹ-TQ. Các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo Trung-Triều được cho là đã làm thái độ Bình Nhưỡng “khi nhu, khi cương” với Mỹ - điều làm ông Trump nổi giận. Tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim của Nhà Trắng đã đo lường khá chính xác nhu cầu cấp thiết của Bình Nhưỡng trong việc đối thoại với Washington để giải quyết các vấn đề quan trọng của nước này, điển hình là các chương trình cấm vận kinh tế, giúp Triều Tiên trở về “một quốc gia bình thường”.

Nhượng bộ của Triều Tiên sau phản ứng cứng rắn của Washington và sự nhộn nhịp của các cuộc gặp giữa các phái đoàn ngoại giao song phương ở Mỹ, Bàn Môn Điếm lẫn Singapore trước thềm thượng đỉnh tháng 6 đã giúp Trump an tâm rằng sự can dự của TQ sẽ không còn là vấn đề quá quan trọng với Mỹ. Đó cũng là chỉ dấu để Trump, vị tổng thống vốn yêu thích “ra giá” với đối thủ, củng cố lại vị thế đàm phán thương mại của mình. Việc thay đổi chuyên gia thương thuyết, là Wilbur Ross chứ không còn là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, cũng cho thấy phía Mỹ có những điều chỉnh về chiến lược.

Mỹ dần lấy lại ưu thế

Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, an ninh biển Đông cũng đang chống lại TQ và cổ vũ cho các nhà đàm phán cứng rắn với Bắc Kinh. Việc quân sự hóa nghiêm trọng ở Trường Sa và Hoàng Sa đã khiến Lầu Năm Góc nổi giận, hủy lời mời tập trận chung với TQ tại Hawaii. Jeffrey A. Bader, cựu cố vấn hàng đầu về vấn đề châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama nói trên New York Times rằng xét trên nhiều lĩnh vực, chính quyền Washington có xu hướng ngả về phía thù địch và chống đối với TQ.

Hôm qua (30-5), Hiệp hội Thương mại Mỹ tại TQ đã đánh tiếng yêu cầu TQ phải mở cửa thị trường, giải phóng các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, tài chính, bán lẻ và công nghệ vốn bị các doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh. Cách tiếp cận này giống như cách Liên minh châu Âu (EU) với việc chỉ trích doanh nghiệp TQ kết hợp với nhà nước “nội ứng, ngoại hợp” để thống trị thị trường nội địa, thâu tóm thị trường nước ngoài. Như vậy, động thái mới của Mỹ đã bước vào cùng chiến tuyến với EU để chống lại TQ.

Một cuộc chiến tranh thương mại là điều mà Mỹ và TQ đều không mong muốn. Nhưng khả năng xảy ra chiến tranh thương mại đến thời điểm này không còn “chắc chắn” với Mỹ như trước đây. Cả Trump và bộ máy thương thuyết đang nghiêng nhiều về phe “diều hâu”, cùng với mục tiêu không còn gói gọn ở đánh thuế hàng hóa mà còn buộc TQ cam kết mở cửa thị trường và đối xử công bằng với doanh nghiệp nội ngoại. 

Tuyên bố tiếp tục dự luật đánh thuế hàng hóa TQ vào thời điểm này của ông Trump mang tính chiến thuật hơn là một quyết định cứng rắn. Chính Bắc Kinh cũng hiểu hơn ai hết khi Bộ Thương mại TQ nói rằng “Chúng tôi ngạc nhiên trước tuyên bố của Nhà Trắng nhưng điều đó cũng không bất ngờ”. Chiến thuật gây sức ép buộc nhượng bộ đã được ông Trump áp dụng với nhiều đối tác thương mại khác, điển hình là các nước thuộc khối Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Dù vậy, bài toán đã khó khăn cho TQ khi việc đối đầu với chiến thuật của ông Trump không còn đơn giản như việc mời Steven Mnuchin, người có xu hướng hòa hoãn tức thời với TQ, một mình ngồi vào bàn đàm phán với các quan chức Bắc Kinh mà không có sự can thiệp của bất kỳ nhà thương thuyết “diều hâu” nào của Mỹ vào đầu tháng 5 vừa qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm