Mỹ động thủ nếu có đối đầu ở biển Đông

Ngày 13-7 (giờ địa phương), Reuters dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết Mỹ sẽ áp dụng sáng kiến “ngoại giao thầm lặng” để thuyết phục Philippines, Indonesia, Việt Nam và nhiều nước châu Á khác không nên có hành động gây hấn sau khi Tòa Trọng tài thường trực công bố phán quyết.

Sáng kiến “ngoại giao thầm lặng”

Một nguồn tin (giấu tên) nói với Reuters: “Chúng tôi mong muốn xử lý êm thấm mọi việc để bàn đến vấn đề một cách hợp lý thay vì cảm xúc”.

Các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài, các phái bộ nước ngoài ở Washington cũng như các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan trung ương đã nhận được lời kêu gọi như thế.

Nguồn tin cho biết Mỹ xúc tiến sáng kiến “ngoại giao thầm lặng” để tránh tiếng Mỹ bắt tay với các nước trong khu vực chống Trung Quốc bởi trước nay Trung Quốc vẫn lu loa Mỹ đứng đầu liên minh chống Trung Quốc.

Reuters ghi nhận Mỹ đang nỗ lực xoa dịu tình hình biển Đông sau khi Đài Loan hấp tấp điều khu trục hạm ra biển Đông sau khi có phán quyết trọng tài.

Các quan chức Mỹ cũng hy vọng sáng kiến ngoại giao của Mỹ sẽ tác động đến Indonesia. Indonesia tuyên bố sẽ đưa hàng trăm ngư dân ra quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói với ông Trung Quốc đã bảo đảm với Mỹ sẽ thể hiện kiềm chế và Mỹ cũng bảo đảm với Trung Quốc tương tự.

Ông Ashton Carter đã yêu cầu Philippines kiềm chế và phía Philippines cũng bảo đảm như thế.

Ngày 13-7, tại Manila (Philippines), thẩm phán Tòa án Tối cao Francis Jardeleza (trái)và nguyên cố vấn pháp luật Florin Hilbay giới thiệu bản sao phán quyết của tòa trọng tài. Ảnh: AP

Trung Quốc sẽ không dám đối đầu

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters nếu nỗ lực của Mỹ thất bại và cuộc tranh chấp biến thành đối đầu, không quân và hải quân Mỹ đã sẵn sàng bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực tranh chấp.

Nghị sĩ Ben Cardin thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tuyên bố đối đầu ít có khả năng xảy ra nếu Philippines, Indonesia, Việt Nam và các nước khác tăng cường hợp tác hơn với Mỹ.

Ông nói với báo giới: “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn đối đầu với Mỹ… Họ không quan tâm nếu đối chọi với tàu cá Việt Nam nhưng họ sẽ không muốn đối đầu với Mỹ”.

Trong khi đó ngày 13-7 (giờ địa phương), phát biểu tại cuộc điều trần trước tiểu ban châu Á của Thượng viện Mỹ, ông Dennis Blair, nguyên Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, đã đề nghị: Mỹ phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn hành động gây hấn của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.

Ông cho rằng mục đích không phải là đối đầu với Trung Quốc ở bãi cạn mà là xác định giới hạn để ngăn chặn hành động gây hấn quân sự của Trung Quốc.

ASEAN không ra tuyên bố chung

Báo Bangkok Post ngày 14-7 dẫn nguồn tin từ ASEAN cho biết tối 13-7, 10 nước ASEAN đã được Lào (nước chủ tịch ASEAN) thông báo ASEAN sẽ không ra tuyên bố chung về phán quyết trọng tài do thiếu đồng thuận trong ASEAN.

Báo The Straits Times (Singapore) cùng ngày tiết lộ ngay sau khi Tòa Trọng tài thường trực công bố phán quyết, Lào đã trao đổi ý kiến với các nước xem ASEAN có ra tuyên bố chung hay không và hạn chót trả lời là trưa 13-7.

Hãng tin Kyodo News (Nhật) dẫn nguồn từ một nước ASEAN cho biết dự thảo tuyên bố chung cuối cùng đã bị hủy bỏ.

Dự thảo tiếp tục khẳng định cam kết của ASEAN về giải quyết tranh chấp ở biển Đông theo cách thức hòa bình bằng cách tôn trọng hoàn toàn các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực phù hợp với UNCLOS, Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Dự thảo khuyến khích các bên hành động kiềm chế, không làm phức tạp thêm tranh chấp.

Dự thảo nêu ASEAN nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc không quân sự trong các hoạt động ở biển Đông.

Dự thảo cũng kêu gọi thực hiện toàn diện và có thực chất Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.

Theo The Straits Times, nguyên nhân không đạt được đồng thuận trong ASEAN rất có thể do áp lực từ vài nước thân Trung Quốc.

Ngày 14-7, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo tại hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) ở Mông Cổ trong hai ngày 15 và 16-7, Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay sẽ nêu vấn đề giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng giải pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế. Ông cũng sẽ nêu lên sự cần thiết của các bên đối với việc tôn trọng phán quyết trọng tài. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng tuyên bố ông mong muốn vấn đề tranh chấp biển Đông được nêu tại hội nghị ASEM. Hồi đầu tuần, Trung Quốc tuyên bố không nên đưa vấn đề tranh chấp biển Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị ASEM vì “đó không phải là nơi thích hợp”.

Cùng ngày, AFP đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đã công bố chi tiết kế hoạch an ninh quanh quần đảo Natuna. Kế hoạch gồm triển khai nhiều tàu chiến, một máy bay tiêm kích F-16, tên lửa đất đối không, radar và máy bay không người lái. Quân đội Indonesia cũng sẽ xây dựng thêm cảng mới và duy tu đường băng. Dự kiến thời gian thi công trong một năm. Indonesia không tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc nhưng hành động hung hăng của Trung Quốc làm Indonesia lo ngại. Tàu chiến Indonesia đã từng đối mặt với tàu cảnh sát biển Trung Quốc khi Indonesia truy bắt tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.

__________________________________

Sự kiện Trung Quốc đưa hai máy bay dân dụng bay thử đến hai sân bay mới trên quần đảo Trường Sa là hành động gia tăng căng thẳng hơn là giảm căng thẳng… Điều chúng tôi mong muốn trong khu vực rất căng thẳng của châu Á-Thái Bình Dương này là xuống thang căng thẳng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao MARK TONER

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm