Mỹ đối phó dịch Ebola: Biện pháp cách ly bị chỉ trích

Sau khi bị chỉ trích gay gắt, ngày 26-10 (giờ địa phương), Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo đã tổ chức họp báo giải thích cụ thể hơn về biện pháp bắt buộc cách ly mà ông công bố hai hôm trước.

Ông cho biết người đến từ các nước có dịch Ebola và có tiếp xúc với người nhiễm Ebola thì phải chịu cách ly tại nhà trong 21 ngày (thời gian ủ bệnh).

Tuy nhiên, người không tiếp xúc với bệnh nhân Ebola và không có triệu chứng nhiễm thì khỏi cần cách ly. Dù vậy, đối tượng này phải chịu lấy thân nhiệt hai lần mỗi ngày trong tối thiểu 21 ngày.

Trước đó đã có ba bang New York, New Jersey và Illinois thông báo áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với người về từ vùng dịch Ebola.

Ba bang này cùng với hai bang Virginia và Georgia là năm bang có sân bay đón hành khách đến từ ba nước Tây Phi có dịch Ebola (Liberia, Sierra Leone và Guinea).

Báo New York Times dẫn nguồn từ chính phủ Mỹ tiết lộ Nhà Trắng đã gây sức ép để thống đốc hai bang New York và New Jersey xem xét lại biện pháp cách ly.

Lý do vì biện pháp cách ly khắt khe hơn quy định của liên bang và có thể ảnh hưởng xấu đến nhân viên y tế tình nguyện đến Tây Phi chống dịch Ebola.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power khử trùng trước khi vào bệnh viện của LHQ ở Guinea hôm 26-10. Ảnh: LA PRESSE

Biện pháp cách ly của ba bang nêu trên đã bị chỉ trích là phản tác dụng và mang yếu tố chính trị hơn là y tế.

Người phản ứng đầu tiên là BS Kaci Hickox. Cô tham gia công tác tình nguyện của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới ở Sierra Leone.

Cô thuật lại với báo Dallas Morning News khi về đến sân bay Newark (bang New York) hôm 24-10, cô đã bị cô lập và bị lực lượng phòng dịch tra hỏi suốt bảy tiếng chẳng khác nào tội phạm.

Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình Fox News, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie thừa nhận quy định của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh chỉ yêu cầu đo thân nhiệt trong 21 ngày chứ không cách ly.

Dù vậy, ông vẫn khăng khăng cho rằng cách ly là biện pháp bảo vệ người dân tốt nhất.

Ông cho rằng biện pháp cách ly không ảnh hưởng gì đến công tác tình nguyện vì người tình nguyện đi châu Phi sẽ sẵn sàng vì lợi ích chung chịu cách ly 21 ngày.

Theo báo Le Figaro (Pháp), Tổng Giám đốc Chữ thập đỏ Pháp Stéphane Mantion khẳng định biện pháp cách ly không cần thiết vì:

- Một người phải bộc lộ triệu chứng bệnh mới được xem là đã nhiễm Ebola.

- Cách ly không hiệu quả vì từ thời Trung cổ, cả thành phố bị cách ly nhưng dịch vẫn lan tràn.

- Nhiều người do lo sợ bị cách ly sẽ không khai báo các triệu chứng nhiễm.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nhận xét đúng ra các y, bác sĩ trở về từ vùng dịch Ebola phải được đón tiếp như anh hùng chứ không phải bị cách ly.

Từ ngày 26-10, bà bắt đầu chuyến thăm các nước Tây Phi có dịch Ebola để kêu gọi tình đoàn kết quốc tế dành cho các nước này.

Tại Guinea, bà đã tiếp xúc với các giới chức tôn giáo và những người đã khỏi bệnh Ebola tại đền thờ Fayçal ở thủ đô Conakry.

Sau Guinea, bà sẽ đến Sierra Leone, Liberia và Ghana, nơi phái bộ LHQ điều phối chống Ebola trú đóng. Cuối cùng bà sẽ quay về Brussels (Bỉ).

Chính phủ Úc đã tạm ngưng chương trình nhập cư đối với các nước có dịch Ebola. Thị thực tạm cấp cho người chưa rời Úc sẽ bị hủy. Yêu cầu xin cấp thị thực mới sẽ không được xem xét. Người có thị thực thường xuyên trên cơ sở nhân đạo phải qua ba lần khám y tế trước khi xuất cảnh và một lần khám khi trở về Úc.

____________________________________

Cách tốt nhất để bảo vệ nước Mỹ là dập dịch ở châu Phi và cách tốt nhất để tiêu diệt bệnh ở đó là gửi tối đa nhân viên y tế đến đó để giúp đỡ săn sóc bệnh nhân.

Bởi vậy đừng làm khó nhân viên y tế tình nguyện.

Giám đốc Viện nghiên cứu dị ứng và bệnh nhiễm Mỹ Anthony Fauci phát biểu trên đài truyền hình CNN hôm 26-10

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm