Mỹ đi loạt động thái rắn với Iran, chưa biết thoả thuận hạt nhân thế nào

Thời gian qua, Mỹ và Iran đã phát đi nhiều tín hiệu mới về việc nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân.

Theo tờ Times of Israel, tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp hôm 30-10 nêu rõ rằng nếu đạt được thỏa thuận hạt nhân mới, Washington sẽ “tuân thủ đầy đủ, miễn là Iran cũng làm như vậy”.

Cuộc họp hôm 30-10 diễn ra vài ngày sau khi ông Ali Bagheri - Thứ trưởng Ngoại giao Iran và trưởng đoàn đàm phán – hôm 27-10 đăng trên trang Twitter rằng Iran “đồng ý bắt đầu đàm phán trước cuối tháng 11" và "ngày chính xác sẽ được công bố trong tuần tới”.

Tuy nhiên, viễn cảnh khôi phục thỏa thuận này ngày càng xa thêm sau loạt động thái cứng rắn của Mỹ đối với Iran, cũng như sự hoài nghi từ cả Washington và Tehran về ý định của nhau.

Loạt động thái cứng rắn của Washington, Mỹ - Iran hoài nghi lẫn nhau

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 31-10, Washington "hoàn toàn đồng hành" với Anh, Đức và Pháp về việc đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân, song nói thêm rằng không rõ liệu Tehran có sẵn sàng tái tham gia các cuộc đàm phán "một cách có ý nghĩa” hay không.

Viễn cảnh khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran xa thêm sau các động thái rắn từ Mỹ. Ảnh: MONTAGE

Tờ Tehran Times dẫn lời Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cùng ngày nói rằng nếu Mỹ nghiêm túc trong việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Tổng thống Biden có thể chỉ cần ban hành một "sắc lệnh hành pháp".

"Nếu Washington có ý định nghiêm túc quay lại thỏa thuận thì không cần các cuộc đàm phán này" – ông Abdollahian nói.

Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 28-10 cho biết Washington vẫn đang cố gắng xác định liệu Iran có nghiêm túc trong việc quay trở lại đàm phán hay không.

Theo ông Sullivan, các nhà lãnh đạo sẽ gửi “thông điệp rõ ràng” tới Iran rằng cơ hội đàm phán “không phải là không giới hạn”.

“Tất nhiên, chúng tôi giữ lại các lựa chọn khác để có thể đối phó chương trình (hạt nhân) này khi cần thiết” - ông Sullivan nói.

Cuộc họp hôm 30-10 giữa nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức, Pháp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome diễn ra sau khi các quan chức Mỹ cáo buộc Iran liên quan vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một tiền đồn của nước này ở Syria.

Đáp trả, Bộ Tài chính Mỹ hôm 29-10 đã công bố các trừng phạt mới đối với hai thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và hai công ty liên quan vì cung cấp máy bay không người lái cũng như tài liệu cho các nhóm nổi dậy ở Iraq, Lebanon, Yemen và Ethiopia.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran cho rằng động thái trừng phạt của Mỹ "phản ánh hành vi hoàn toàn mâu thuẫn của Nhà Trắng, vốn tuyên bố ý định trở lại thỏa thuận hạt nhân, song vẫn tiếp tục áp đặt trừng phạt".

Trong khi đó, Iran hôm 30-10 nghi ngờ Israel và Mỹ có thể đứng sau vụ tấn công mạng hôm 26-10, gây cản trở việc phân phối nhiên liệu ở các trạm dịch vụ, dẫn đến hậu quả là tắc nghẽn giao thông ở những điểm giao thông huyết mạch tại thủ đô Tehran, hãng Reuters đưa tin.

Trong động thái mới nhất, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) hôm 29-10 cho biết máy bay ném bom B-1B Lancer của nước này đã bay qua các tuyến đường thủy quan trọng ở Trung Đông. Động thái này nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng nhằm trấn an các nước trong khu vực Trung Đông.

Theo Times Of Israel, những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây tiếp tục gia tăng khi Tehran tăng cường các hoạt động làm giàu uranium lên gần cấp độ vũ khí.

Chính phủ Iran khẳng định các diễn biến này là vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nhận định: "Trong vài tháng nữa, Iran sẽ có đủ nguyên liệu để chế tạo bom hạt nhân".

Viễn cảnh xa thêm

Tạp chí TIME ngày 29-10 nhận định tiến trình ngoại giao giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân hiện đang đình trệ và triển vọng thành công đang mờ dần.

Theo tạp chí, chính quyền ông Biden hiện có ít sự lựa chọn.

Cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan đã làm giảm khả năng ông Biden chấp nhận rủi ro trong vấn đề Iran, vốn có thể dấy lên các chỉ trích từ đảng Cộng hòa về sự nhân nhượng đối với Iran.

Viễn cảnh khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran xa thêm sau các động thái rắn từ Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Israel, vốn coi chương trình hạt nhân của Iran là một mối đe dọa hiện hữu, lo ngại rằng chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden khi tập trung vào Trung Quốc và quyết tâm xoay trục an ninh sang châu Á có thể khiến Tel Aviv lạc lõng. Trong khi đó, các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ lại lo ngại hơn về các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và mối đe doạ không gian mạng từ Iran.

Theo TIME, căng thẳng về chương trình hạt nhân Iran có thể gây ra tác động lan tỏa đối với Washington, Tehran và cả khu vực.

Trong bối cảnh hy vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân phai nhạt dần, Iran có thể sẽ kiên quyết đạt được một thỏa thuận hạn chế hơn.

Để đạt được kết quả đó, Iran sẽ tích lũy uranium được làm giàu cao hơn, triển khai các máy ly tâm tiên tiến hơn và thử nghiệm các kỹ thuật biến uranium thành kim loại có thể được sử dụng để chế tạo bom.

Trong khi chính quyền ông Biden phối hợp cùng các đồng minh nhằm tăng thêm sức ép kinh tế lên Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể đưa ra cảnh báo về khả năng tấn công hàng hải ở Vịnh Ba Tư.

Về nội bộ Iran, cũng có nguy cơ rằng nền kinh tế khó khăn sẽ kích động các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Điều này có thể buộc Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phải cân nhắc trong việc đưa ra các nhượng bộ hạt nhân cần thiết để xoa dịu tình hình, trước nguy cơ Tehran có thể đối mặt sự bất ổn tại Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Yemen.

Theo TIME, lo ngại rằng khó có thể đáp trả hiệu quả các cuộc tấn công của Mỹ và Israel có thể khiến ông Raisi hạn chế vượt qua lằn ranh đỏ cuối cùng chính là việc chế tạo bom hạt nhân.

Một nguy cơ khác là việc Israel sẽ quyết định phải có hành động quân sự để ngăn chặn Iran, dù có hoặc không có “cái gật đầu” từ Washington.

Nhiều khả năng, Israel sẽ có bước đi ít quyết liệt hơn nhưng vẫn nguy hiểm nhằm vào các địa điểm hạt nhân và quân sự của Iran, điều sẽ kích động sự trả đũa từ Tehran, gồm cả trên không gian mạng.

Bất kỳ tính toán sai lầm nào đều có thể kéo các bên vào một cuộc xung đột, TIME nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm