Mỹ có thể triển khai pháo di động đến biển Đông

Trang tin Scout dẫn nguồn thông tin cho biết các nhà chiến lược và nhà hoạch định cấp cao của Lầu Năm Góc đang cân nhắc triển khai các đơn vị pháo di động ở biển Đông nếu cần thiết với chức năng làm vũ khí phòng không sẵn sàng khóa các mục tiêu là tên lửa tầm xa và tên lửa hành trình đe dọa khu vực. 

Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính thức về các toan tính chiến lược này, cũng như không rõ nếu thật sự được triển khai thì các đơn vị pháo di động của Mỹ sẽ được bố trí ở những nơi nào.

Ngoài biển Đông, giới chức Mỹ cũng cân nhắc sử dụng các vũ khí phòng không này ở các khu vực như Trung Đông và Đông Âu.

Mỹ có thể triển khai pháo di động đến biển Đông ảnh 1
Khẩu pháo tự hành Paladin M109 cỡ nòng 155mm của quân đội Mỹ (Nguồn: Scout)

Riêng ở Biển Đông, do mối quan hệ phức tạp vừa hợp tác vừa đối đầu với Trung Quốc, nên các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc phải cân nhắc nhiều phương án khác nhau.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng tất cả những phương án trên mới chỉ đang được cân nhắc và chưa có quyết định chính thức. Giới chức Lầu Năm Góc phản đối việc quân sự hóa hơn nữa khu vực biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các tranh chấp ở đây nên giải quyết bằng giải pháp ngoại giao và hòa bình.

Bên cạnh đó, giới chức Lầu Năm Góc cũng công khai tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động “tự do hàng hải”, các tàu hải quân Mỹ tiếp tục đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông. Cùng với hoạt động này, Mỹ có thể sẽ tìm cách triển khai thêm các vũ khí phòng vệ và tấn công ở khu vực.

Rõ ràng, một động thái như vậy sẽ cần đến sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ ở khu vực bởi Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Theo giới chức Mỹ, hệ thống vũ khí có thể được Mỹ triển khai là khẩu pháo M777 Howitze hay Paladin, loại vũ khí có cỡ nòng 155mm.

“Chúng tôi có thể sử dụng Howitzers và loại pháo có thể khóa các mối đe dọa đang tiếp cận từ tên lửa tầm xa hay tên lửa hành trình”, một quan chức quân đội cấp cao của Mỹ cho biết.

Theo quan chức này, loại pháo này có thể chặn các tên lửa đang tìm cách tiếp cận và có ưu điểm là di chuyển hoặc thay đổi mục tiêu một cách nhanh chóng.

Hệ thống phòng không như Army M777 hay Paladin Howitzer có thể sử dụng công nghệ kiểm soát bắn và ngắm bắn chính xác để phá hủy các mối đe dọa như trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa của đối phương.

Hệ thống này đem lại lợi thế chiến thuật di động trội hơn so với Patriot hay hệ thống phòng không THAAD. M777 từng được sử dụng ở chiến trường Iraq và Afghanistan.

Mặc dù Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận về triển vọng phối hợp với đồng minh để triển khai các vũ khí như Howitzer ở biển Đông nhưng họ nói rằng Mỹ đang thúc đẩy hợp tác với các đồng minh trong khu vực.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác và đồng minh để nâng cao năng lực an ninh hàng hải”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban nói.

Những thông tin trên bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên đưa hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bắc Kinh mặc dù không xác nhận cũng không phủ nhận nhưng lớn tiếng nói rằng động thái này là nhằm “phòng vệ” và “bảo vệ chủ quyền” ở khu vực này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm