Mỹ có thể rút quân khỏi Philippines vào tháng 6 hoặc tháng 7

Tờ South China Morning Post ngày 17-5 dẫn lời ông Renato De Castro – GS quan hệ quốc tế tại ĐH De la Salle (Manila) – tiết lộ Mỹ có thể sẽ rút khoảng 400 binh lính và các nhà thầu quốc phòng đã triển khai ở miền nam Philippines trong vòng vài tháng tới nếu hai bên không đạt được Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) mới.

Phát ngôn này được GS Castro đưa ra trong một hội thảo trực tuyến có chủ đề “Chiến lược ‘phòng bị nước đôi’ (hedging) của Philippines giữa việc liên minh hoặc nhượng bộ: Liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể làm lệch cán cân?" do Viện nghiên cứu Đông Á học Weatherhead thuộc ĐH Columbia tổ chức hôm 14-5. Ông Castro cho hay Mỹ đã "sẵn sàng rút" binh lính khỏi nhóm đảo Mindanao, nơi họ đang tham gia vào các chiến dịch chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.

'Mỹ sẽ rút quân khỏi Philippines nếu không ký được VFA mới'. Ảnh: REUTERS

Sau đó, trả lời phỏng vấn hôm 16-5, ông De Castro cho biết một tùy viên quân sự từ một quốc gia Đông Nam Á hồi tuần trước đã nói với ông rằng Mỹ sẽ “rút hết binh lính trước tháng 6 hoặc tháng 7 nếu không có thỏa thuận mới nào được đưa ra”.

Ông De Castro cho biết ông hiểu rằng phía Mỹ sẽ không muốn tiếp tục tình hình hiện tại khi VFA cần được gia hạn sáu tháng một lần.

“Điều này đang tạo ra sự không chắc chắn. Vì vậy, họ cũng có thể thu dọn hành lý và rời đi” – vị chuyên gia cho biết.

Ông De Castro cho rằng nếu xảy ra, chính phủ Philippines có thể sẽ bị ảnh hưởng trong việc chống các nhóm khủng bố có liên quan Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông De Castro dẫn lời các quan chức cảnh sát cấp cao cho biết các lực lượng đặc nhiệm và nhà thầu của Mỹ đã cung cấp "thông tin tình báo" kịp thời giúp Philippines đối phó ISIS, nhóm khủng bố Abu Sayyaf và lực lượng nổi dậy Quân đội Nhân dân Mới (NPA), từ đó giúp giảm thương vong cho binh lính Philippines.

Theo ông De Castro, Mỹ dưới thời Tổng thống Biden dường như đang chờ đợi nhiệm kỳ của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte kết thúc vào tháng 7-2022 và đàm phán lại VFA mới với chính quyền tiếp theo.

Đầu năm 2020, ông Duterte đã đơn phương thông báo sẽ hủy bỏ VFA, khiến thỏa thuận này chỉ kéo dài tới tháng 8-2020. Tuy nhiên, ông đột ngột tuyên bố tạm ngưng quá trình hủy bỏ hai lần (vào tháng 6 và tháng 11-2020), nên thỏa thuận vẫn còn có hiệu lực tới tháng 8-2021.

Tháng 12-2020, ông Duterte tuyên bố sẽ tiếp tục hủy bỏ VFA nếu Mỹ không sản xuất ít nhất 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Manila.

South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Jose Antonio Custodio nhận định rằng thông tin Mỹ rút binh sĩ khỏi Philippines có thể là một chiến thuật tác động tâm lý khiến ông Duterte ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, ông Custodio cho hay ông sẽ không ngạc nhiên nếu Mỹ rút quân đội khỏi Manila vì chính quyền ông Biden đã cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các nước khác và Philippines là "một trong những nơi Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự lâu nhất sau Iraq và Afghanistan".

Ông Custodio cũng có quan điểm rằng Mỹ có thể đang đợi chính quyền Philippines tiếp theo để thúc đẩy đàm phán một VFA mới.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng ngay cả khi không có VFA, Mỹ vẫn có khả năng tiếp tục tuần tra Biển Đông, lý giải rằng liên quan vấn đề này, Mỹ có động cơ khác so với việc duy trì quân đội tại đảo Mindanao.

“Tại Mindanao, yếu tố quyết định trong việc Mỹ rút quân là vì tiền đóng thuế của người dân Mỹ, trong khi sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại các vùng biển xuất phát từ sự hiện diện của Trung Quốc” – ông Custodio nói thêm.

Theo ông Custodio, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đảo Mindanao phụ thuộc vào VFA, trong khi sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Biển Đông liên quan Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Philippines-Mỹ.

Philippines dần 'tỉnh mộng' thân Trung Quốc
Philippines dần 'tỉnh mộng' thân Trung Quốc
(PLO)- Giới lãnh đạo Philippines cuối cùng cũng nhận ra việc xích gần Trung Quốc không đem lại được lợi ích gì ngoài việc chủ quyền bị xâm lấn. Việc nối lại quan hệ quân sự với Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm