Mỹ có để Trung Quốc lập luật chơi riêng?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 27-6 đã gặp Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình để tìm kiếm lập trường chung về các vấn đề an ninh, trong đó các vấn đề Đài Loan, phi hạt nhân hóa Triều Tiên đến lập lại hòa bình ở Afghanistan đều được mô tả tích cực. Tuy nhiên, hai bên đã không đồng thuận về vấn đề biển Đông.

Sẵn sàng “bẻ cong” lời hứa

Tờ Wall Street Journal dẫn lời trợ lý của ông Mattis cho biết sự bất đồng dai dẳng giữa Mỹ và TQ về việc Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép ở biển Đông vẫn xuất hiện như một vấn đề quan trọng bậc nhất không ngoài dự đoán.

Khi gặp người đồng cấp Ngụy Phụng Hòa (Wei Fenghe), ông Mattis nhắc lại lời hứa của ông Tập Cận Bình tại Nhà Trắng năm 2015: “TQ không có ý định quân sự hóa biển Đông”. Ông Mattis nhấn mạnh lại lập trường của Mỹ là các đảo, đá nằm trong vùng biển quốc tế phải tuân theo luật quốc tế. Đồng thời, tự do hàng hải phải được tôn trọng.

Không ngạc nhiên, phía TQ bao biện rằng bồi lấp các thực thể, xây dựng hạ tầng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông trong thời gian qua chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Truyền thông TQ dẫn lời ông Tập Cận Bình nói với ông Mattis rằng TQ sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình khi phát triển thành một cường quốc hùng mạnh và hiện đại. Nhưng TQ sẽ không thỏa hiệp các vấn đề lãnh thổ.

“Chúng tôi sẽ không theo con đường chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa thực dân, đồng thời sẽ không gây ra sự hỗn loạn cho thế giới” - ông Tập nói trên truyền hình TQ mà không đề cập trực tiếp đến biển Đông. Ông Tập cũng không ngại nói rằng TQ giữ thái độ vững chắc và rõ ràng về các vấn đề chủ quyền và “không một tấc lãnh thổ nào của tổ tiên chúng tôi để lại có thể mất đi”. Bắc Kinh, ngoài chiến lược “tằm ăn lá dâu” từng bước kiểm soát thực địa, cũng sẵn sàng “bẻ cong” lời hứa.

Từ lời hứa phát triển hòa bình, không theo chủ nghĩa bành trướng và thực dân đến lời hứa không quân sự hóa biển Đông ở các diễn đàn song phương, đa phương quốc tế. Tất cả cho đến nay đã bị làm lu mờ bởi tiền đồn quân sự đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải lẫn an ninh các nước láng giềng khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tại Bắc Kinh. Ảnh: NYTIMES

Không chế "buộc" Trung Quốc

Tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore đầu tháng này, chính Bộ trưởng Mattis đã đặt tên cho các hành động của Bắc Kinh ở biển Đông là “đe dọa và cưỡng ép” với láng giềng khi đặt hệ thống tên lửa đất đối không và các thiết bị quân sự khác ở biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của Đài Loan, Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Sau sự kiện TQ chiếm thành công bãi cạn Scarborough năm 2012, những thay đổi nhanh chóng trên thực địa ở biển Đông, bất chấp nước này “trắng tay” về mặt pháp lý với phán quyết của tòa trọng tài hồi năm 2016, cho thấy TQ đang chiếm ưu thế lớn. Xét ở hệ quy chiếu khác, đó cũng chính là thất bại của Mỹ.

Từ chính quyền Barack Obama đến Donald Trump, điểm sáng duy nhất là tuần tra tự do hàng hải (FONOPs). Các sáng kiến liên quan biển Đông được Washington đưa ra như “Chiến lược tái cân bằng” thời Obama hay “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” thời Trump đều gặp khó khăn trong khi thực hiện. Một trong những lý do quan trọng là vì Mỹ thường xuyên phải ưu tiên một số điểm nóng khác, như chiến tranh Afghanistan, hạt nhân Iran và gần nhất là chiến tranh Syria hay phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên.

Trong khi đó, TQ vẫn kiên trì từng bước thăm dò giới hạn của Mỹ. Dù tham vọng bành trướng của Bắc Kinh đã rõ nhưng TQ tỏ ra khéo léo khi tận dụng những thời điểm Mỹ lơ là biển Đông để leo thang căng thẳng trong vùng xám - không vượt “lằn ranh đỏ” để gây chiến tranh. Song song đó, TQ chủ động đàm phán với Mỹ các cơ chế giải quyết khi va chạm trên biển và trên không nhằm giảm thiểu các rủi ro xung đột cục bộ.

Đối thoại giữa Bộ trưởng James Mattis với giới lãnh đạo Bắc Kinh phản ánh chân thực rằng một mình Mỹ khó có thể buộc TQ - một “cường quốc lắt léo” về giọng điệu lẫn hành động - xuống nước. Nếu Mỹ thiếu sự liên kết toàn diện về kinh tế lẫn an ninh với khối đồng minh (bị Mỹ quay lưng gần đây) lẫn các đối tác trụ cột, viễn cảnh đánh mất biển Đông sẽ không còn xa vời.

Đây là thời điểm quan trọng trong lịch sử quan hệ TQ và Mỹ. Vì vậy, tôi đến đây để giữ gìn quan hệ hai nước đi đúng quỹ đạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ JAMES MATTIS 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm