Mỹ - Canada: Khổ nạn bơ đậu phộng nhiễm khuẩn!

Tính đến ngày 8-2, Canada đã thu hồi khỏi thị trường 213 sản phẩm có sử dụng nguyên liệu bơ đậu phộng nhiễm khuẩn salmonella. Trong số này có 44 sản phẩm sản xuất tại Canada và 169 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Tại Canada không có người nào ngộ độc, chỉ có một con chó nhiễm bệnh do ăn bánh quy Happy Tails nhiễm khuẩn.

Trong khi đó tại Mỹ, cũng vì bơ đậu phộng nhiễm khuẩn, đến nay đã có 575 người ở 43 bang bị ngộ độc thực phẩm và tám ca đã chết. Hơn 1.760 sản phẩm các loại làm từ đậu phộng bày bán trong siêu thị đã được kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn salmonella. Một số sản phẩm buộc phải thu hồi, hủy bỏ.

Nghe tin bơ đậu phộng nhiễm khuẩn, chị Xuân Phạm ở TP Mesquite (bang Texas) vội lục tung tủ bếp, lôi ra hai hộp bơ đậu phộng loại lớn mua ở chợ Wal-Mart. Tuần trước, nghe con gái nói đã hai tuần nay nhà trường không cho ăn bơ đậu phộng, chị đi mua về cho con ăn sáng. Xem lại hộp bơ thấy tên hãng là Kellogg chị cũng yên tâm nhưng vẫn vứt vào thùng rác. Một tuần trước, hãng Kellogg đã thông báo tiêu hủy 16 sản phẩm sau khi một sản phẩm bánh xốp bơ đậu phộng bị phát hiện nhiễm khuẩn.

Ngoài các sản phẩm bơ đậu phộng, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cũng đã cảnh báo dân chúng không nên dùng các loại sản phẩm có nguồn gốc chế biến từ đậu phộng như bánh xốp, bánh lạt, kem, kẹo các loại, thức uống pha chế...

Hãng cà phê Starbuck đã ra lệnh thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm có bơ đậu phộng bán ở các cửa hàng cà phê tại Mỹ và Canada. Hãng cho biết dù sản phẩm có bơ đậu phộng không phải do Tổ hợp sản xuất bơ đậu phộng Peanut Corporation of America tại bang Georgia (Mỹ) cung cấp nhưng vẫn thu hồi để người tiêu dùng an tâm.

Theo kết quả kiểm nghiệm do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phối hợp với cơ quan dịch tễ thực hiện, nguồn nhiễm khuẩn salmonella xuất phát từ các sản phẩm do Tổ hợp Peanut Corporation of America sản xuất. Tổ hợp King Nut (trung tâm phân phối bơ đậu phộng và các sản phẩm chế biến từ bơ đậu phộng tại TP Solon, bang Ohio) cũng có nhiều sản phẩm bị thu hồi và tiêu hủy vì nhiễm khuẩn salmonella. Tổ hợp này chỉ cung cấp sản phẩm cho các bệnh viện, trường học, nhà hàng và nhà dưỡng lão chứ không bán trên thị trường.

Tổng thống Barack Obama đã cam kết sẽ điều tra Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ vì cơ quan này không phát hiện sớm sự việc. Trong buổi phát sóng của đài truyền hình NBC sáng 2-2, ông Obama cho biết con gái bảy tuổi của ông cũng ăn bơ đậu phộng ba lần mỗi tuần.

Tại Mỹ đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương tự. Tháng 6-2008, Mỹ tiêu hủy vụ mùa cà chua và ớt Jalapeno nhập từ Mexico trị giá hơn 100 triệu USD sau khi phát hiện vi khuẩn salmonella có trong thực phẩm. Cơn dịch này đã làm 1.200 người nhiễm bệnh nhưng không có tử vong. Bốn tháng trước đó, Mỹ đã tiêu hủy gần 70.000 tấn thịt bò mang mầm bệnh tại bang California. Tháng 9-2006, vụ mùa bắp cải trồng tại bang California trị giá hơn 86 triệu USD cũng bị tiêu hủy do nhiễm khuẩn E. Coli. Trận dịch này làm 200 người bệnh và có ba người chết.

Trung Quốc: Điều tra hơn 1.000 heo chết

Ngày 9-2, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) đã cho điều tra nguyên nhân 1.056 con heo chết tại huyện Hồng Đồng vài ngày trước. Số heo chết của 65 hộ dân trong 10 ngôi làng. 80% heo chết là heo con chưa đầy một tháng tuổi. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy heo chết vì viêm phổi và nhiễm giun. Phần lớn heo chết đã được tiêu hủy, tuy nhiên có khoảng 30 con heo chết được xẻ thịt tại bảy cơ sở giết mổ trong huyện. Chính quyền huyện cho biết chưa phát hiện thịt heo nhiễm bệnh tiêu thụ trên thị trường. Hai năm trước, Trung Quốc đã thiệt hại hàng trăm ngàn con heo vì dịch heo tai xanh. Năm 2005, 38 người chết tại tỉnh Tứ Xuyên vì nhiễm khuẩn liên cầu từ heo.

HỒNG CẨM (Theo Xinhua, AP)

TỰU NGÔ (Cộng tác viên từ Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm