Mỹ cần có kế hoạch đối phó dân quân biển Trung Quốc

Ngày 29-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định trên trang Twitter cá nhân chính thức rằng Mỹ luôn sẵn sàng sát cánh cùng các đồng minh ở châu Á để bảo vệ trật tự khu vực dựa trên luật pháp. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh vẫn chưa có thông tin Trung Quốc (TQ) cho rút hơn 200 tàu cá, do dân quân biển nước này điều khiển, xâm phạm và neo đậu trái phép khu vực gần đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhiều ngày qua.
TQ rõ ràng đang nỗ lực tăng cường năng lực của lực lượng dân quân biển, đặc biệt khả năng đánh bắt cá và chiến đấu song song. Có khả năng đội tàu được triển khai ở đá Ba Đầu là nhằm thử phản ứng của các nước trong khu vực cũng như Mỹ cho kịch bản TQ điều lượng lớn tàu chiến ra thực địa. 
TS COLLIN KOH SWEE LEAN, Trường nghiên cứu quốc tế 
S. Rajaratnam (Singapore)
 
Nhiều nước cùng phản đối Trung Quốc
Không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang liên tục có hành động nhằm phản đối động thái khiêu khích của TQ, vốn đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực và làm phức tạp hóa tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 
Gần đây nhất, các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật ngày 29-3 đã có buổi họp trực tuyến với các quan chức Bộ Quốc phòng TQ. Phía Nhật thẳng thắn bày tỏ lo ngại việc TQ liên tục có hành vi căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông thời gian gần đây, theo đài NHK. Một ngày trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Kishi Nobuo cũng đã có phiên hội đàm với người đồng cấp Indonesia - ông Prabowo Subianto; hai bên nhất trí sẽ cùng phản đối mạnh bất cứ hành động nào của TQ làm leo thang xung đột tại các vùng biển trong khu vực và thời gian tới sẽ tổ chức tập trận chung ở Biển Đông nhằm tăng cường hợp tác quân sự
Về phía Philippines, đây là nước đầu tiên công khai cảnh báo về sự xuất hiện của hơn 200 tàu cá TQ ở đá Ba Đầu. Hôm 27-3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - ông Delfin Lorenzana khẳng định đã gửi nhiều tàu chiến và máy bay quân sự theo dõi chặt chẽ nhóm tàu cá TQ hằng ngày. Ông cũng nhắc lại là Manila yêu cầu TQ phải ngay lập tức rút tàu khỏi đá Ba Đầu và cảnh báo sẽ tăng cường hiện diện của hải quân Philippines trên Biển Đông để tuần tra bảo vệ ngư dân nước này. 
Vẫn cần tới sự chủ động của Mỹ
Xét về tương quan lực lượng, hiện chỉ có Mỹ là cường quốc duy nhất hiện diện ở Biển Đông có đủ khả năng ngoại giao và quân sự để đối đầu trực diện TQ, buộc nước này phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả đã gây ra. Tuy nhiên, hiện tại chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa cho thấy cách tiếp cận về vấn đề Biển Đông sẽ có điểm gì khác biệt so với chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump ngoài việc gửi máy bay quân sự, tàu chiến đến tuần tra vùng biển này. Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy mới đây, GS Andrew S. Erickson thuộc Học viện Hải quân Mỹ cho rằng từ việc tàu TQ đang tụ tập trái phép ở đá Ba Đầu, Mỹ nên cập nhật đối sách cho các chiến thuật mới đang được TQ ra sức tận dụng những năm gần đây, ở đây là chiến thuật dân quân biển. 

Máy bay quân sự Mỹ diễn tập theo đội hình sau khi cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện diện ở Biển Đông hồi tháng 9-2019. Ảnh: AP

Theo GS Erickson, dân quân biển TQ không chỉ đông về nhân sự và tàu thời vụ mà luôn sẵn sàng để được điều động cho những nhiệm vụ bảo vệ cái gọi là “chủ quyền quốc gia của TQ”. Đáng lo ngại, dù về lý thuyết là lực lượng dự bị song dân quân biển TQ được huấn luyện một cách bài bản và chia thành các đơn vị chuyên nghiệp hoạt động toàn thời gian, đi kèm với lượng lớn khí tài quân sự và tàu chiến hỗ trợ. Lực lượng này thường tổ chức tuần tra ở các vùng biển có tranh chấp bằng cách cải trang thành ngư dân đánh cá, giống những gì đang diễn ra ở đá Ba Đầu. 
Vì thế, theo GS Erickson, “việc triển khai dân quân biển đang diễn ra tại cụm Sinh Tồn cần phải được nhận diện và vạch trần nhanh chóng bởi giới nghiên cứu lẫn chính phủ các nước nhằm ngăn chặn những kiểu hành xử còn nguy hiểm hơn trong tương lai”. Ông cảnh báo một trong những kịch bản xấu có thể xảy ra là “tàu cá” TQ viện cớ là “tránh thời tiết xấu” để tiếp tục chiếm đóng lâu dài tại các thực thể trên Biển Đông. Sau đó, “TQ sẽ tìm cách ngăn chặn tàu nước khác tiếp cận và khai thác tài nguyên rồi chiếm đóng và quân sự hóa thành tiền đồn mới bất chấp luật pháp quốc tế”.
Trước các viễn cảnh nói trên, ông Erickson khẳng định vai trò của Mỹ trong thời gian tới là tối quan trọng trong hỗ trợ các nước trong khu vực gây áp lực để buộc TQ phải rút lực lượng. Cụ thể, Washington phải tăng cường các nỗ lực do thám sức mạnh của lực lượng dân quân biển TQ và chia sẻ những thông tin khai thác được với các nước đồng minh, đối tác nhằm giúp nỗ lực phản kháng TQ được liền mạch và nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, Mỹ cũng phải công khai và mạnh mẽ lên án lực lượng dân quân biển TQ trên các phương tiện truyền thông quốc tế cũng như việc Bắc Kinh tận dụng lực lượng này lấn chủ quyền nước khác hòng phá vỡ ý đồ âm thầm hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ qua vỏ bọc dân sự của nước này. 
“Tốt hơn nữa là Mỹ và đồng minh, đối tác cùng thiết lập một mạng lưới giám sát trải khắp không chỉ ở Biển Đông mà cả ở những vùng biển khác có hiện diện TQ nhằm theo dõi nhất cử nhất động của nước này để có bước phản ứng kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi khi có tương tác quốc phòng với TQ thì luôn phải yêu cầu nước này minh bạch trong việc triển khai các lực lượng vũ trang. TQ muốn được đối xử như một cường quốc có trách nhiệm thì không thể cứ đội lốt “dân sự” cho dân quân biển mãi” - ông Erickson nhấn mạnh.•

 Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã gửi lời mời tới người đồng cấp của bốn nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đến thăm Bắc Kinh từ ngày 31-3 đến 2-4, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.

Bà Hoa nhấn mạnh TQ lâu nay coi trọng việc phát triển quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và luôn coi khu vực này là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của nước này. Theo bà Hoa, “TQ kỳ vọng cuộc gặp sắp tới sẽ là cơ hội để đối thoại với Đông Nam Á nhằm siết chặt niềm tin lẫn nhau, cải thiện quan hệ ngoại giao, giải quyết mâu thuẫn và tăng cường đối thoại cấp cao”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm