Mỹ cần Ấn Độ đối trọng với Trung Quốc

Giữa tháng 6 tới, cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn sẽ được tổ chức tại Washington (Mỹ). Theo báo Deccan Herald (Ấn Độ), hai bên sẽ tham vấn bản ghi nhớ về hợp tác an ninh và tương tác truyền thông, hiệp định hỗ trợ hậu cần, hiệp định hợp tác và trao đổi cơ bản về không gian địa lý và một số thỏa thuận quốc phòng khác.

Ba lý do cốt lõi

Báo The Wall Street Journal (Mỹ) cho biết để tạo tiền đề cho cuộc đối thoại chiến lược tháng 6, hàng loạt cuộc đối thoại cấp chính phủ giữa hai nước về chính trị, quân sự, ngoại giao và an ninh đã diễn ra vào giữa tháng 4 tại New Delhi (Ấn Độ). Trọng tâm đối thoại tập trung vào Đông Á và Thái Bình Dương. Nội dung đề cập đến Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Myanmar và đặc biệt là vấn đề căng thẳng tại biển Đông.

Ấn Độ giữ vai trò gì trong chiến lược mới của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương? Lý do tại sao Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác? Trang web Russia & India Report đưa ra ba lý do giải thích:

Ấn Độ ngày càng tập trung vào Đông Nam Á, khu vực vốn có lợi cho Mỹ. Trong những năm qua, Ấn Độ không chỉ tăng cường tối đa quan hệ với Đông Nam Á mà còn liên tục diễn tập quân sự song phương với các nước như Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Mỹ cần Ấn Độ đối trọng với Trung Quốc ảnh 1

Biếm họa của Dave Granlund (Mỹ). Chữ trong ảnh: India = Ấn Độ; missile test = thử tên lửa.

Quan hệ Ấn-Nhật phát triển theo xu hướng ngày càng đi lên. Xét về góc độ địa-chính trị, hai nước này đều đối nghịch với Trung Quốc và có thể giúp Mỹ kìm hãm Bắc Kinh. Bằng chứng vào ngày 23-4, ba bên Mỹ-Nhật-Ấn đã đối thoại tại Tokyo (Nhật).

Nếu Nhật và Úc là hai đồng minh chính của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương thì Ấn Độ được xem là một lựa chọn tự nhiên bởi quan hệ Trung-Ấn từ lâu đã mang tính chất đối đầu. Trung Quốc đang tỏ ra khó chịu trước hoạt động thăm dò của Ấn Độ ở khu vực gần đảo Hải Nam, nơi có căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Bắc Kinh.

Từ lâu Ấn Độ luôn ủng hộ một châu Á tự do mà không cần bên ngoài can thiệp. Tuy nhiên, giấc mơ này đã bị xáo trộn bởi tình hình trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình mất an ninh hàng hải và khủng bố trong khu vực, tình trạng bành trướng kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, ví dụ như Bắc Kinh đã xây dựng cơ sở hạ tầng tại Sri Lanka, mở đại sứ quán tại Maldives.

Từ đối đầu thành liên minh

Trải qua nhiều thập niên chiến tranh lạnh, Ấn Độ xếp hàng theo Liên Xô trong khi Mỹ kìm hãm để Ấn Độ không thể trở thành cường quốc hạt nhân. Dù vậy, theo phân tích của trang web wsws.org, từ cuối những năm 1990, Washington bắt đầu ve vãn Ấn Độ nhằm biến Ấn Độ thành đối trọng với Trung Quốc.

Thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã trao cho Ấn Độ một quy chế đặc biệt cho phép Ấn Độ phát triển công nghệ hạt nhân dân dụng dù Ấn Độ không ký kết hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và đã phát triển vũ khí hạt nhân.

Đến thời Tổng thống Obama, Mỹ cùng với Nhật, Philippines, Úc, Indonesia và Ấn Độ thành lập liên minh chiến lược-quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm bao vây Trung Quốc.

Thực ra quan hệ Ấn-Trung rất phức tạp. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Hai nước cùng đứng chung hàng ngũ trong nhiều diễn đàn như diễn đàn BRICS để hạn chế phương Tây. Tuy nhiên, hai nước lại lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô, bởi thế sẵn sàng cạnh tranh chí chóe ở Trung Á, Trung Đông, châu Phi.

Nhằm trả đũa Ấn Độ thắt chặt quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược “chuỗi ngọc trai” bao vây Ấn Độ, siết chặt quan hệ với Pakistan, mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á và Đông Nam Á, phát triển mạng lưới cảng và cảng hàng không qua khu vực Ấn Độ Dương. Để đối phó, Ấn Độ cũng đã phát triển một hạm đội mạnh trên Ấn Độ Dương.

Bởi thế không phải ngẫu nhiên trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã minh định như trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hồi hạ tuần tháng 4: Một phần trong chiến lược tiếp cận của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là đối thoại sâu sắc hơn với Ấn Độ và khuyến khích Ấn Độ hướng Đông.

Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung

Theo thông báo giữa tuần trước của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 3 và 4-5, Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner sẽ tham dự cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung ở Bắc Kinh. Theo hãng thông tấn PTI (Ấn Độ), về phía Trung Quốc có Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc.

Trung Quốc đánh giá cuộc đối thoại này rất quan trọng vì đối thoại diễn ra trong bối cảnh nhiều nước ASEAN thúc ép Bắc Kinh giải quyết tranh chấp ở biển Đông và Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Trước đối thoại, Mỹ và Philippines đã tập trung chung, Trung Quốc và Nga cũng tập trận hải quân gần Hoàng Hải.

DUY KHANG - HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm