Mỹ báo động chiến tranh phi truyền thống từ Nga, Trung Quốc

Trật tự thế giới đang có nhiều thay đổi và biến động lớn, kèm theo đó là nguy cơ nổ ra xung đột giữa các cường quốc. Hiện nhiều quan chức Mỹ đang kêu gọi Bộ Quốc phòng và Quốc hội nước này thay đổi hướng tiếp cận các loại hình chiến tranh, trong đó tập trung phát triển chiến lược đối phó với loại hình chiến tranh phi truyền thống, nhất là chiến tranh thông tin.

Thay đổi hoặc tụt hậu

Trả lời phỏng vấn mới đây của tờ Defense News, ông Joe Francescon - phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng sự thay đổi nói trên là cần thiết nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc (TQ) và Nga. Ông nhắc lại rằng hồi tháng 1-2019 Lầu Năm Góc từng cho công bố một tài liệu đề ra chiến lược quốc phòng sơ thảo cho các lực lượng Mỹ khi tham gia các hình thức chiến tranh phi truyền thống. Mục đích của việc công khai tài liệu này là nhằm chia sẻ với các đồng minh, Quốc hội và công chúng về định hướng thay đổi chiến lược tiếp cận đối với các mối đe dọa phi truyền thống. Trong số đó, nổi bật là việc đối phó nguy cơ TQ lợi dụng sức mạnh kinh tế và việc Nga sử dụng các chiến dịch gây sai lệch thông tin.

Theo ông Francescon, “điều quan trọng đối với Mỹ là cần xác định rõ cho chúng ta và các đồng minh về các tác động đối với an ninh quốc gia mà kẻ thù đang tiến hành trong không gian vùng xám trước xung đột vũ trang”. Ông Francescon cũng lo ngại Washington đang rất thiếu sự chuẩn bị trong lĩnh vực này.

Defense News cho biết vùng xám là chiến thuật thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự. Đối với TQ, ví dụ rõ ràng về chiến thuật này là loạt động thái phi pháp trong thời gian qua như ngang nhiên lập đơn vị hành chính để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), xây trạm nghiên cứu trên các thực thể chiếm đóng trái phép cũng như nhiều lần cho tàu đâm chìm tàu cá của các nước xung quanh.

Trước mắt, ông Francescon cho hay quân đội Mỹ cần phải đạt được hai mục tiêu trong công tác chuẩn bị cho chiến tranh phi truyền thống: (i) Phối hợp toàn bộ quân chủng Mỹ trong các chiến dịch phi truyền thống, tận dụng những kinh nghiệm học được từ quá khứ; (ii) Chủ động phát hiện và đáp trả ngay sau khi biết đối phương có ý định tiến hành chiến tranh phi truyền thống.

Ngoài ra, theo ông: “Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém là làm sao giảm được chi phí hoạt động và duy trì các lực lượng tham gia chiến tranh phi truyền thống. Hiện tại Mỹ chưa đủ khả năng để triển khai các cơ sở hạ tầng cần thiết cho lĩnh vực này đến mọi cấp độ. Tuy nhiên, nếu tìm ra giải pháp tối ưu thì tôi tin rằng đây sẽ là bước đột phá trong việc tiến hành chiến tranh của thời đại mới”.

Một tiêm kích F-35 thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tham gia diễn tập ở căn cứ quân sự Edwards thuộc bang California (Mỹ) hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Chiến tranh thông tin tỏa nhiệt

Theo Defense News, đi sâu hơn vào chiến tranh phi truyền thống thì chiến tranh thông tin là một lĩnh vực mà quân đội Mỹ và các bộ, ngành liên quan hết sức quan tâm do nước này đang có một sự kiện là bầu cử tổng thống đang cận kề. Một quan chức Mỹ giấu tên còn gọi việc đối phó với loại hình chiến tranh này giống “những kẻ thù không bao giờ ngơi nghỉ trong việc đưa tin tức sai lệch vào dư luận”.

Một cuộc chiến tranh thông tin có quy mô tổng lực có thể được triển khai chỉ bằng một cú kích chuột máy tính. Virus máy tính có thể làm cho hệ thống vũ khí của đối phương bị mất điều khiển và cũng có thể phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế của quốc gia, làm rối loạn hoạt động của nền kinh tế hay làm tắc nghẽn mạng thông tin.

GS MOHAMED ABDEL WAHED, ĐH Cairo (Ai Cập) 

Hồi tháng 7, tờ South China Morning Post từng đưa tin Nga và TQ ra tuyên bố chung xác nhận tăng cường hợp tác trên lĩnh vực chiến tranh thông tin, cụ thể là cùng nhau “phản bác thông tin sai lệch” nhắm vào hai nước. Moscow và Bắc Kinh còn kêu gọi các quốc gia khác cũng nên tham gia nỗ lực này. Hiện chưa rõ đến nay TQ và Nga đã cho triển khai hoạt động nào liên quan tới lĩnh vực nói trên hay chưa. Tuy nhiên, theo ông Ezra Cohen-Watnick, quyền trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc không thể bỏ qua những diễn biến đáng lo ngại này từ Bắc Kinh và Moscow.

“Các lực lượng của Nga và TQ đang lợi dụng tính ẩn danh của các mạng xã hội và sức lan tỏa của thông tin để cạnh tranh. Họ gây rối dư luận, phá hoại tiến trình chính trị của Mỹ và khiến người dân đối đầu nhau vì những thông tin không rõ nguồn gốc” - ông Cohen-Watnick cảnh báo.

Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng hiện cũng không thể tự đối phó mà cần thêm nỗ lực phối hợp giữa các cơ quan khác có cùng năng lực và kiến thức về vấn đề. Những ưu tiên cần phải khắc phục trong thời gian sớm nhất là nghiên cứu được công nghệ có khả năng nhanh chóng nhận diện, cô lập thông tin sai lệch, trong khi tăng cường quảng bá các thông tin đã được xác thực.

Ngoài ra, theo trang tin quân sự C4ISRNet.com, Lầu Năm Góc đang xem xét một số cách tiếp cận dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) trong chiến tranh về thông tin với công cụ có tên là Entropy. Entropy được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho lực lượng tham gia các chiến dịch quân sự đòi hỏi xử lý lượng thông tin lớn. Entropy còn có thể tiếp nhận dữ liệu văn bản và video từ môi trường thông tin và tự động tạo báo cáo tóm tắt cho người sử dụng để kịp thời đưa ra quyết định trong thời gian thực.

Trung Quốc lại siết các hãng truyền thông Mỹ

Trong cuộc họp báo ngày 26-10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên thông báo sáu cơ quan truyền thông Mỹ có các chi nhánh hoạt động ở TQ thời gian tới phải báo cáo cho chính phủ TQ các thông tin liên quan đến cách tổ chức hoạt động, theo hãng tin Reuters.

Sáu cơ quan truyền thông của Mỹ bị nêu tên gồm: ABCLos Angeles TimesNewsweekMinnesota Public Radio (MPR), Feature Story NewsBureau of National Affairs (hiện nay được biết đến với cái tên Bloomberg Industry Group - Tập đoàn công nghiệp Bloomberg).

Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời giải thích của ông Triệu Lập Kiên: “Những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã áp dụng các biện pháp hạn chế vô lý lên hoạt động đưa tin tức bình thường của các cơ quan truyền thông TQ tại Mỹ, gây khó dễ một cách vô lý và liên tục leo thang phân biệt đối xử với truyền thông TQ”.

Tuần trước, Mỹ đã đưa sáu cơ quan truyền thông TQ có hoạt động tại Mỹ vào diện “phái bộ nước ngoài”, gồm Yicai GlobalJiefang DailyXinming Evening NewsSocial Sciences in China PressBeijing Review và Economic Daily. Đây là đợt thứ ba Mỹ gắn mác các cơ quan truyền thông TQ là phái bộ nước ngoài, nâng tổng số cơ quan truyền thông TQ bị liệt vào diện này lên 15. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm