Xuất hiện hóa thạch giải mã thính lực tổ tiên loài người

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances hôm thứ sáu vừa qua (25-9), các nhà khoa học sử dụng các số liệu nghiên cứu trên hai đối tượng gốc Nam Phi, Australopithecus africanus và Paranthropus robustus, để chứng minh rằng hai loài này có khả năng tiếp nhận âm thanh rất tốt, hơn cả vượn và người hiện đại, ở những tần số phù hợp với việc giao tiếp bằng âm thanh ở môi trường xa-van (cây bụi) châu Phi. 
Cấu tạo tai của cả hai loài mang đặc điểm của cả vượn và người, tối ưu hóa việc tiếp nhận âm thanh ở khu vực có nhiều cây và cây bụi thưa thớt. 
Điều này hoàn toàn khác so với nhiều chủng người cổ đại với cấu tạo đôi tai tối ưu hóa cho việc giao tiếp ở môi trường rừng rậm.

Cụ thể, theo Rolf Quam, nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Binghamton, New York, tần số biểu kiến của hai loài này được nâng cao hơn tần số nghe thông thường của vượn người và đặc biệt khả năng tiếp nhận âm thanh tốt hơn hẳn người hiện đại và vượn ở khoảng tần số 1 - 3 kHz, khoảng tần số bao gồm các nguyên âm và một số phụ âm. 

 Mặt ngang của mẫu vật hộp sọ Paranthropus robustus số SK 46. Mẫu này được khai quật tại Swartkrans, Nam Phi. Mẫu này bao gồm hệ xương con ở tai giữa, nhờ đó mà các nhà khoa học khảo sát được thính lực của những loài vượn cổ khi hệ thống tai của chúng bắt đầu tiến hóa giống người hơn. (Ảnh: Reuters)

Quam nói thêm: "Cấu tạo sinh học này đã thích ứng đặc biệt tốt với môi trường xa-van. Ở một nơi trống trải như xa-van, sóng âm không có khả năng truyền xa như ở trong rừng, do đó thính giác của hai loài này được tiến hóa để giao tiếp khoảng cách gần một cách thuận lợi nhất”.
Loài người bắt đầu tách hẳn khỏi loài vượn vào khoảng 5 tới 7 triệu năm trước, đi kèm theo đó là sự thích nghi về thính giác. 
Để nghiên cứu thính lực của hai loài thủy tổ này, các nhà khoa học đã xem xét các mẫu hóa thạch, trong đó có các mẩu nhỏ xương tai giữa, chứa các xương con (3 xương, bao gồm xương búa, xương đe và xương bàn đạp) rồi giả lập giải phẫu tai của hai loài đó trên máy tính.
Chúng ta, Homo sapiens, xuất hiện khoảng 200.000 năm trước, có một tầm nghe hơn hẳn các loài đương thời với dải tần số kéo dài từ 1 - 6 kHz, đây cũng là dải tần số phổ biến của giọng người.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là một nghiên cứu nhằm chứng minh rằng những loài này có ngôn ngữ. Tất nhiên chúng giao tiếp bằng các chuỗi âm thanh, điều này xảy ra ở tất cả các loài linh trưởng, nhưng chắc chắn ngôn ngữ của loài người được hình thành ở thời điểm sau này", ông Quam cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm