Vụ kiện cứu con lay động Đức Giáo hoàng và ông Trump

Ra đời vào ngày 4-8-2016, bé Charlie Gard được phát hiện mắc chứng suy giảm ADN ty thể (MDDS) do bị đột biến gen di truyền. Trên thế giới chỉ có khoảng 16 trường hợp mắc phải căn bệnh nan y này. Mặc cho những nỗ lực của gia đình và cộng đồng thế giới nhằm giành lấy sự sống cho bé, cậu bé Charlie đã mãi mãi ra đi hôm 28-7 khi chỉ còn vài ngày nữa là đến sinh nhật đầu tiên của mình.

Bé Charlie mắc phải căn bệnh nan y mà chỉ có khoảng 16 em bé trên thế giới mắc phải. Ảnh: TWITTER

Vụ kiện “cứu con” chấn động

Sau khi được phát hiện bệnh, cậu bé Charlie Gard đã phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện (BV) nhi Great Ormond Street ở London từ tháng 10-2016, khi mới được hơn một tháng tuổi. Căn bệnh nan y này khiến bé bị tổn thương não và phải duy trì sự sống bằng ống thở và ống truyền thức ăn.

Cha mẹ của bé Charlie là ông Chris Gard và bà Connie Yates đã đề nghị được mang con sang Mỹ để điều trị bằng phương pháp thử nghiệm phân tử nucleoside do một nhà thần kinh học phát triển. Gia đình bé cũng vận động quyên góp và được cộng đồng hỗ trợ 1,7 triệu USD. Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cho bé tại BV Great Ormond Street đã phản đối vì cho rằng phương pháp này chỉ mới là thử nghiệm, nó không những không thể giúp bé mà còn có thể khiến bé đau đớn thêm.

Bất đồng giữa gia đình và BV trong việc điều trị cho bé Charlie đã biến thành một vụ kiện “cứu con” chấn động nước Anh và cộng đồng thế giới suốt một thời gian dài. Các bác sĩ tin rằng việc rút ống thở để bé Charlie được ra đi thanh thản, không phải tiếp tục chịu đau đớn là lựa chọn nhân đạo duy nhất trong khi cha mẹ của bé không muốn từ bỏ hy vọng cuối cùng giành lại sự sống cho con trai.

Các tòa án cấp cao, tòa án cấp phúc thẩm và tòa án tối cao ở London đã nhiều lần bác bỏ yêu cầu của gia đình về việc đưa Charlie sang Mỹ, đồng thời chấp nhận để BV rút ống thở của bé. Trong khi đó, gia đình bé Charlie thậm chí đã nộp đơn lên Tòa án Nhân quyền châu Âu để yêu cầu hỗ trợ nhưng kết quả không được như mong muốn.

Bất chấp những nỗ lực kháng cáo từ phía gia đình, quyết định rút ống thở cho bé Charlie chính thức có hiệu lực hôm 27-7. “Chúng tôi chỉ muốn con trai được bình yên, không BV, không luật sư, không tòa án, không truyền thông, chỉ cần khoảng thời gian ý nghĩa còn lại ở bên con để chào tạm biệt con một cách trọn vẹn nhất” - ba mẹ Charlie phát biểu sau khi họ chấp nhận rút khỏi cuộc chiến pháp lý kéo dài năm tháng, vì mọi biện pháp điều trị cho bé giờ đây “đã quá muộn màng”.

Gia đình đã mong muốn được đưa bé về nhà để chăm sóc trong những thời khắc cuối cùng. Tuy nhiên, bé Charlie đã được đưa đến một trung tâm bảo trợ xã hội để tiến hành rút ống thở vì theo BV, việc để cho bé ra đi tại nhà là rất khó khăn và không đảm bảo.

Đức Giáo hoàng liên lạc với cha mẹ bé

Suốt một thời gian dài, vụ việc của bé Charlie đã làm “lay động” thế giới, trong đó có hai trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới là Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hôm 2-7, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã liên lạc với cha mẹ bé Charlie và xin phép được “đồng hành và chữa trị cho bé đến cùng”. Một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng ủng hộ cha mẹ bé Charlie trên mạng xã hội. “Nếu chúng tôi có thể giúp đỡ bé Charlie Gard bé nhỏ, giống như bạn bè của chúng tôi tại Anh và Giáo hoàng, chúng tôi sẽ rất vui mừng” - ông Trump viết.

Bà Helen Ferre, Giám đốc truyền thông tại Nhà Trắng, hôm 3-7 thông báo: “Sau khi biết về bệnh tình của bé Charlie, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị giúp đỡ gia đình họ. Mặc dù tổng thống không đích thân trò chuyện với gia đình vì không muốn gây áp lực cho họ bằng bất kỳ cách nào, các thành viên của chính phủ đã liên lạc với cha mẹ bé nhờ các cuộc gọi do chính phủ Anh hỗ trợ. Tổng thống chỉ đang cố gắng hết sức có thể để giúp đỡ họ”.

Sau tuyên bố của Đức Giáo hoàng và ông Trump, nhiều BV cùng bác sĩ ở Mỹ và Ý đã lên tiếng muốn nhận chữa trị miễn phí cho bé Charlie.

Tuy nhiên, cậu bé Charlie đã mãi mãi ra đi sau một ngày bị rút ống thở. Mẹ của bé đã đau xót nói rằng “chàng trai xinh đẹp của chúng tôi đã đi, ba mẹ rất tự hào về con, Charlie”. Bà Yates cũng chỉ trích BV vì đã khước từ mong ước cuối cùng của gia đình là muốn có thêm thời gian để ở bên con và để bé có thể mừng sinh nhật đầu tiên của mình vào ngày 4-8 tới.

“Ba mẹ yêu con rất nhiều, Charlie à. Ba mẹ thật sự xin lỗi vì không giữ được con bên cạnh. Ba mẹ đã có cơ hội nhưng lại không được phép cho con cơ hội đó. Ngủ ngoan nhé con yêu, ngủ thật sâu nhé con trai bé nhỏ của ba mẹ”, ba mẹ Charlie đã gửi đến con trai lời yêu thương cuối cùng và gọi cậu bé là anh hùng của cuộc đời mình.

Sau khi biết được tin này, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô gửi lời chia buồn trên Twitter: “Tôi phó thác Charlie bé nhỏ cho Thiên Chúa và cầu nguyện cho cha mẹ và những người yêu mến bé”. Thủ tướng Anh Theresa May sau đó cũng cho biết rất đau buồn khi hay tin về Charlie và cầu nguyện cho gia đình bé.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng chia sẻ nỗi đau với gia đình bé Charlie trên mạng xã hội. “Thật đau buồn nghe tin về sự ra đi của Charlie Gard. Tôi cầu nguyện và chia buồn với cha mẹ yêu thương của cậu bé trong thời điểm khó khăn này” - ông Pence viết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm