Viễn cảnh của thế giới toàn đàn ông

Viễn cảnh của thế giới toàn đàn ông ảnh 1

Khi dân số toàn cầu lên tới 7 tỷ người, các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ chênh lệch giới có thể tiếp sức cho sự xuất hiện các "quốc gia đàn ông", vốn được kích thích bởi cuộc cạnh tranh cô dâu ác liệt.

Hậu quả chính xác của cái mà chuyên gia về dân số người Pháp Christophe Guilmoto gọi là "nam giới hóa nhân khẩu đáng báo động" của những nước như Trung Quốc và Ấn Độ hiện vẫn chưa rõ. Tại hai quốc gia đông dân hàng đầu thế giới, tình trạng nạo phá thai dựa trên giới tính xảy ra khá nhiều.

Nhiều nhà nhân khẩu học tin rằng sự thiếu hụt phụ nữ trưởng thành trong vòng 50 năm tới sẽ có một tác động sâu sắc và lan tỏa như thay đổi khí hậu. Những số liệu thống kê đằng sau các cảnh báo cũng rất thuyết phục.

Tự nhiên đưa một chuẩn sinh học rõ ràng với tỷ lệ giới lúc chào đời là 104-106 nam cho 100 nữ. Bất cứ chênh lệch lớn nào từ khoảng cách hẹp trên chỉ có thể được lý giải bằng những yếu tố bất thường. Tại Ấn Độ và Việt Nam, cứ 100 bé gái lại có khoảng 112 bé trai. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này gần như là 120 nam so với 100 nữ, ở một số nơi, số bé trai còn cao hơn 130. Xu hướng này vẫn đang lan rộng tới những vùng như Nam Caucasus, nơi tỷ lệ giới lúc sinh ở Azerbaijan, Georgia và Armenia là hơn 115 bé trai so với 100 bé gái và tiến cả về phía tây tới Serbia và Bosnia.

Thế giới đã nhận thức được vấn đề này từ năm 1990 khi bài báo của nhà kinh tế học người Ấn Độ, từng đoạt giải Nobel là Amartya Sen với tựa đề nổi tiếng "Hơn 100 triệu phụ nữ đang biến mất" được đưa ra. Các nhà nhân khẩu học nói, con số trên hiện đã vượt quá 160 triệu, các bé gái bị loại bỏ do tập quán thích con trai, giảm sinh con và quan trọng nhất là sự lan tràn của công nghệ quyết định giới tính trước khi sinh với giá rẻ. Tại Ấn Độ, ước tính mỗi năm có tới 1/2 triệu bào thai con gái bị nạo bỏ, theo nghiên cứu của tạp chí y học Anh - The Lancet.

"Trước đây, người dân làng tới thành phố để siêu âm. Ngày nay, các chuyên gia siêu âm về tận làng quê để phục vụ những người muốn có con trai", Poonam Muttreja, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Dân số Ấn Độ nói.

Thậm chí là nếu tỷ lệ giới khi sinh trở lại bình thường ở Ấn Độ và Trung Quốc trong vòng 10 năm, thì nam giới ở cả hai quốc gia này vẫn phải đối mặt với sức ép hôn nhân trong vài thập niên tới, ông Guilmoto nói. "Với tình hình đó, không chỉ có đàn ông bị ảnh hưởng mà sự mất cân bằng hôn nhân ngày càng tăng sẽ dẫn tới sự tăng vọt nam giới độc thân, một thay đổi quan trọng tại những nước nơi mà mọi người thường kết hôn".

Một số chuyên gia dự đoán, tỷ lệ thừa nam thiếu nữ sẽ làm du lịch tình dục và tục đa phu gia tăng. Trong khi đó, một số người khác lại dự đoán về những viễn cảnh kinh hoàng trong đó các xã hội thừa nam trỗi dậy.

Nhà khoa học chính trị Valerie Hudson và Andrea den Boer, tác giả bài viết những nước châu Á có quá nhiều đàn ông là mối đe dọa an ninh với phương Tây, nói: "Xã hội có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao đều nằm dưới sự cai trị của chính quyền độc đoán có khả năng đàn áp bạo lực trong nước và "xuất khẩu" sang nước ngoài thông qua chiến tranh".

Theo Hoài Linh (VNN / Asia1)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.