Tội phạm Trung Mỹ ‘tái chiếm’ đất Mỹ

Đây là câu chuyện dài và đầy phức tạp giữa Washington và Trung Mỹ, với những chính sách trục xuất người nhập cư bất hợp pháp rất bất cập. Câu chuyện này bắt đầu không phải từ những quốc gia nơi các em sinh ra mà là ngay giữa đường phố Los Angeles của Hoa Kỳ.

Các em khi còn rất bé đã phải bỏ xứ để trốn chạy bạo lực và nghèo đói nhưng rồi các em đã bị các băng nhóm tội phạm đường phố dụ dỗ và thu nạp. Các em đa số là người từ Honduras, Guatemala và El Salvador.

120.000 tội phạm bị trục xuất khỏi Mỹ

Phóng viên (PV) điều tra của báo Los Angeles Times là Robert Lopez đã từng có một thời gian theo chân các băng nhóm tội phạm đường phố, nay nhớ lại: “Trong thập niên 1990, chúng tôi có thừa mứa các tay ngựa non háu đá, cho nên mỗi năm đã có trên 1.000 vụ giết chóc thanh toán lẫn nhau”.

Hai băng nhóm kình địch đấu đá nhau để giành quyền phân chia lãnh địa là các khu phố và tranh giành việc buôn lậu thuốc phiện: băng Mara Salvatrucha (còn được biết tiếng với cái tên “MS-13”) của nhóm dân nhập cư người El Salvador trốn chạy cuộc nội chiến trong thập niên 1980 và phía bên kia là băng Barrio 18 (còn được gọi là “M-18”) thu nạp những người tị nạn từ Trung Mỹ. Hai băng này đã lao vào một cuộc chiến sinh tử một mất một còn và PV Lopez kể lại: “Bọn chúng đã đạt đến một mức độ tàn ác phi thường. Một vài thành viên của băng nhóm trước đây đã từng là quân nhân nên đã học được cách giết người một cách rất thuần thục”.

Cảnh sát Honduras bắt giữ một thành viên trẻ của băng nhóm tội phạm Trung Mỹ (mara) tại thủ đô Tégucigalpa ngày 10-2-2013. Nguồn: AFP

Cảnh sát chịu không xuể và Washington đã vào cuộc để tìm giải pháp. Năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật, theo đó bất cứ đối tượng nào “không phải là công dân Mỹ” mà đã chịu án tối thiểu một năm tù thì “đương nhiên” có thể bị trục xuất. Đối với đa số những người tị nạn đã không hợp thức hóa được hoàn cảnh của mình, chính quyền Mỹ sẽ áp dụng một chính sách trục xuất hàng loạt trên quy mô lớn trong vòng 10 năm. Thế là từ năm 2001 đến 2010 đã có hơn 120.000 thanh niên phạm pháp bị buộc phải rời khỏi nước Mỹ và được gửi đến những quốc gia mà chúng không hề biết, bởi lẽ đa số đối tượng này đã đặt chân lên đất Mỹ khi còn rất nhỏ và nay đã nói được tiếng Mỹ.

Trở thành những băng nhóm xuyên quốc gia

Nhưng chính quyền Mỹ không phải lúc nào cũng cung cấp cho nước tiếp nhận đầy đủ chi tiết lai lịch và tiền án, tiền sự của các đối tượng thanh niên bị trục xuất này. Do đó các nước nhận các đối tượng không thể có được hồ sơ pháp lý rõ ràng của các đối tượng và ngay sau khi tiếp nhận, chính quyền sở tại đã phóng thích các đối tượng phạm pháp đó ra ngoài xã hội. GS Al Valdez, thuộc ĐH California cơ sở tại Irvine và là cựu nhân viên phụ trách đơn vị triệt phá các băng nhóm thuộc sở cảnh sát quận Cam (khu ngoại ô lớn của Los Angeles), giải thích: “Khi được trao trả, các đối tượng này chỉ phải làm một vài thủ tục đơn giản, rồi sau đó chúng được trả tự do ngay. Chính tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó”.

Thế là bọn chúng nhanh chóng trở thành những tay “trùm” lão luyện. vì sao? PV Lopez lý giải: “Bọn chúng ngay lập tức tiếp cận các nhóm thanh niên và nhanh chóng thu hút sự chú ý của thanh niên với một diện mạo, trang phục và phong cách sống rất Mỹ, đầu cạo trọc và cách ứng xử rất hip-hop”. Và nhất là trên cơ thể và trên khuôn mặt đầy những hình xăm trổ rất ấn tượng khiến những người am tường nhận ra ngay đây là những đối tượng khét tiếng. Hẳn nhiên là bọn chúng cũng vẫn luôn mang theo trong mình tính hung tàn và ngang ngược.

Và một khi vẫn tiếp tục các hành động bất chính như đã từng làm trước đây, bọn này đã dần gầy dựng nên những băng nhóm tội phạm mới trên một mảnh đất mới đầy “màu mỡ”, do tình trạng đói nghèo và một quá khứ vẫn còn mới toanh của những xung đột vũ trang. Steven Dudley, chuyên gia phân tích tình trạng tội phạm tại khu vực Mỹ La tinh, nhấn mạnh: “Bọn chúng đã trở thành chất xúc tác chính làm gia tăng bạo lực tại các nước này, nhất là tại vùng nông thôn. Nhờ có tiền buôn lậu thuốc phiện, hoạt động của bọn chúng đã phát triển nhanh chóng và lây lan như một bệnh dịch”.

John Sullivan, một chuyên gia phân tích, đã từng giải thích trên tạp chí National Geographic như sau: “Các băng nhóm này đã trải nghiệm đời sống xã hội Mỹ. Chúng tôi trục xuất chúng và bởi vì bọn chúng còn nguy hiểm hơn những băng nhóm địa phương, bọn chúng nhanh chóng kiểm soát được các băng nhóm địa phương. Chính vì vậy mà chúng tôi đang có những khu vực hoàn toàn mất an ninh, với tình hình bạo lực tồi tệ”.

Và theo PV Lopez, tình hình bạo lực này đã tạo ra một “tác dụng gậy ông đập lưng ông” thật sự mà nay Washington phải nỗ lực để triệt tiêu. Song suốt nhiều năm qua, vấn đề này chỉ được đề cập trên quan điểm thuần túy về mặt bảo đảm an ninh chứ chưa bao giờ được đưa ra dưới dạng một chính sách tổng thể vùng. Chỉ duy nhất có cơ quan FBI là thật sự theo dõi sát sao đường đi nước bước và tiến triển của các băng nhóm xuyên quốc gia này.

Chính quyền Obama đã đề nghị một gói hỗ trợ khẩn cấp 250 triệu USD cho các nước Guatemala, Honduras và El Salvador để giúp đỡ các thanh thiếu niên là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm đường phố. Song, tình hình có vẻ không có gì lạc quan cho lắm, khi mà trong suốt nhiều thập niên qua, chính quyền các nước Trung Mỹ có liên quan đã không hề có bất cứ động thái nào để đối phó với thực trạng trên.

Cuối tháng 7 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã đi nghỉ hè mà vẫn chưa thông qua được biện pháp để đấu tranh chống lại cuộc khủng hoảng về các đối tượng nhập cư nhỏ tuổi nói trên. Vấn đề nay đã trở thành một hiện tượng xuyên quốc gia khi mà phạm vi hoạt động của các băng nhóm đó giờ đây mở rộng qua lại thường xuyên giữa Mỹ và vùng Trung Mỹ. PV Lopez phát biểu: “Các băng nhóm này liên lạc thường xuyên với nhau và hiện đã di chuyển được đến bờ đông nước Mỹ, đến các bang Maryland và Massachusetts và cả tại Washington nữa”. Bọn chúng tung hoành cách điện Capital (tòa nhà Quốc hội Mỹ) chỉ có vài con đường!

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Monde)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm