Tiền thân của loài chim chính là... khủng long?

Những con bò sát khổng lồ tưởng chừng đã tuyệt diệt từ 66 triệu năm trước, thực ra không chỉ tìm được cách sống sót mà còn sinh sôi nảy nở sau thời kỳ bị tiêu diệt hàng loạt và trở thành các loài chim hiện nay.
Để nghiên cứu quá trình chuyển hóa đáng kinh ngạc này, các nhà khoa học không chỉ nhờ vào hóa thạch mà còn tận dụng các chứng cứ về tiến hóa có trong gene và mô mềm của các loài chim.
Nhà nghiên cứu về cổ sinh vật học Bhart-Anjan Bhullar của Trường ĐH Yale còn đi xa hơn khi vận dụng cả hai phương pháp này bằng cách so sánh những mẫu xương cổ đồng thời nghiên cứu sự tiến hóa của các loài vật hiện đại. Bhullar đã dùng “các phương pháp sinh học tiến hóa được kiểm chứng qua thời gian” để khám phá ra quá trình thay đổi của khủng long.

Bhullar cho biết nếu chỉ nhìn ở bề nổi, các loài khủng long cổ đại hoàn toàn khác biệt với các loài chim hiện đại: “Các loài chim đều nhỏ hơn rất nhiều. Sọ của chúng nhỏ hơn nhưng chim lại có não lớn hơn khủng long. Các loài chim cũng không có răng, mặt của chúng cũng ngắn hơn và cấu trúc cơ thể của chim khác xa với khủng long".

Tiền thân của loài chim chính là... khủng long? ảnh 1

Khủng long không những không bị tuyệt chủng mà còn tiến hóa thành các loài chim đang sinh sôi nảy nở hiện nay. Ảnh minh họa

Tuy vậy, ông phát hiện ra rằng những thay đổi lớn này đều bắt nguồn từ nhiều tinh chỉnh nhỏ trong lúc con vật trưởng thành: “Ban đầu, đây có vẻ là hàng triệu thay đổi nhưng thực chất nhiều thay đổi này hoàn toàn có thể giải thích được nếu ta xem những loài chim hiện nay là những con khủng long đang trong giai đoạn trưởng thành.”
Đó là một kết luận trong nghiên cứu dài 2012 trang của nhóm khảo sát về sự thay đổi trong cấu trúc hộp sọ của khủng long. Theo đó, các đặc điểm như hộp sọ lớn hơn, mắt to hơn và mặt ngắn lại của loài chim đều giống với đặc điểm của những con khủng long con.
Không chỉ vậy, nhóm còn tìm hiểu về một đặc điểm bí ẩn khác của tiến hóa là mỏ chim. Mỏ trên của chim hiện đại là một mẫu xương lớn, vốn có nguồn gốc từ phần mỏm của khủng long. Tuy vậy, trong quá trình tiến hóa, xương mỏm mở rộng ra thành hình mũi nhọn hiện nay. Quá trình này diễn ra như thế nào?
Theo Bhullar, “điều này liên quan đến một số gene định hình cụ thể. Đây là những chỉ dẫn ban đầu để phôi phát triển thành hình dạng sinh vật khi ở trong trứng".
Nhóm nghiên cứu nhận ra khi thay đổi một số gene định hình này ở phôi gà sẽ khiến chúng tái tạo được khuôn mặt của các loài khủng long cổ. Thí nghiệm này đã cho ra kết quả phôi gà trong trứng “phát triển thành xương hàm tròn nhỏ giống với tổ tiên chúng".
Trong báo cáo tại hội nghị thường niên của Hội Cổ sinh vật học vào tháng rồi, nhóm nghiên cứu còn mô tả quá trình thay đổi từ xương hàm trên ở khủng long vốn to hơn và chứa phần lớn răng của khủng long lại bị thu nhỏ thành một cái mỏm chim nhỏ xíu và gần như khuyết răng qua quá trình tiến hóa. 
Qua từng yếu tố được phát hiện, nhóm nghiên cứu đang dần khai sáng một trong những quá trình tiến hóa toàn diện nhất trong lịch sử. Bhullar cho biết ông mong muốn có thể tạo ra một con “khủng long gà”; một thành tựu như vậy sẽ là món quà tuyệt vời mà thời gian và tiến hóa đã ban tặng cho con người.
“Chúng ta đều biết các loài sinh vật đều giữ lại nhiều đặc điểm của tổ tiên trong tiến trình lịch sử của các loài. Thậm chí trong từng chuỗi acid nucleid có trong gene sinh vật đều ẩn chứa một phần lịch sử. Đây sẽ là một kho tàng tiềm năng cho chúng ta giải thích lịch sử của sự sống và thậm chí là biết được tương lai sắp tới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm