Thực vật cũng có hormone giới tính nữ!

Thực vật cũng có hormone giới tính nữ! ảnh 1

Lá và hạt cây óc chó - Ảnh: allotment.org.uk
Cho đến thời điểm hiện tại, giới nghiên cứu khoa học vẫn luôn tin rằng chỉ động vật mới có khả năng sản sinh progesterone. Là kích thích tố steroid do buồng trứng tiết ra, progesterone đóng vai trò quan trọng đối với chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, và giúp thai phụ chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai và nuôi dưỡng bào thai. Một phiên bản tổng hợp của hormone quan trọng này, gọi là progestin, được sử dụng cho thuốc tránh thai và các loại dược phẩm khác.

Công trình nghiên cứu progesterone ở thực vật do giáo sư Guido F. Pauli thuộc Đại học Dược ở Chicago cùng các cộng sự thực hiện. Nhóm nghiên cứu cho rằng, giống như các kích thích tố steroid khác, progesterone có thể là một công cụ điều chỉnh sinh học cổ đã trải qua hàng tỉ năm tiến hóa trước khi các loại động thực vật ngày nay xuất hiện. Phát hiện có tính đột phá của các nhà khoa học Mỹ có thể làm thay đổi quan niệm của giới khoa học về sự tiến hóa và chức năng của progesterone ở các thực thể sống.

Trước đó các nhà khoa học đã xác định được một số hợp chất tương tự như progesterone có trong thực vật và cho rằng tự bản thân hormone này có thể tồn tại trong các loài cây. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa tìm thấy hormone trên trong thực vật.

Ông Pauli và các thành viên của nhóm nghiên cứu đã sử dụng 2 kỹ thuật thí nghiệm mạnh là phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân và quang phổ khối mới tìm thấy progesterone trong lá của cây óc chó. Nhóm nghiên cứu cũng xác định được 5 hormone progesterone thuộc nhóm steroid trong một loài cây thuộc họ mao lương hoa vàng. Rất có thể trong tương lai, các nhà khoa học sẽ lại phát hiện thêm nhiều loại cây khác có loại hormone “độc quyền” ở động vật và con người này.

Theo Khang Huy (TNO, Science Daily, Fox New)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm