Thay ông trời hô mưa gọi gió

Mùa hè này, Trung Quốc đang dự tính chi ra hơn 30 triệu USD cho một dự án điều chỉnh thời tiết đầy tranh cãi. Đây chỉ là một trong rất nhiều nỗ lực nhằm điều khiển “mẹ thiên nhiên” của con người. Theo tờ Business Times, ít nhất 53 quốc gia trên thế giới đang theo đuổi các chương trình điều chỉnh thời tiết. So với năm 2011, số lượng này đã tăng thêm 10 quốc gia, Tổ chức Khí tượng học Thế giới (WMO) cho biết.

“Trồng mây” ngăn mưa

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, dự án điều chỉnh thời tiết nhằm khắc phục nạn hạn hán trầm trọng và giảm tác động tiêu cực của thiên tai. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết khoản tiền này được dùng để hỗ trợ các tỉnh phía nam và miền trung Trung Quốc điều chỉnh lượng mưa, giảm tác hại của lũ lụt vốn đã làm hơn 200 người thiệt mạng trong năm nay. Ngược lại, số tiền cũng được dùng để hỗ trợ các tỉnh phía tây bắc tạo mưa bằng đạn muối và ion bạc, giải cứu vùng này khỏi nạn khô hạn trầm trọng.

Trung Quốc cho cải tiến một súng phòng không cũ thành một súng bắn đạn tạo mưa. Ảnh: AP

Công nghệ trồng mây”

Những nỗ lực thay đổi thời tiết bắt đầu từ những năm 1940, hai nhà khoa học thuộc Công ty General Electric Co. (Mỹ) đã tiến hành nhiều thí nghiệm với các đám mây siêu lạnh với hy vọng kích thích quá trình kết tuyết trên đỉnh núi Washington. Ngọn núi tại bang New Hampshire được mệnh danh là ngọn núi “bão tố nhất thế giới” và được xem là một trong những địa điểm thử nghiệm các công nghệ thời tiết lạnh lý tưởng nhất thế giới. Sau nhiều lần thí nghiệm tại ngọn núi và ở New York, hai nhà khoa học cuối cùng cũng tạo đươc mưa bằng cách bắn lên trời các viên đạn bạc ion hóa. “Công nghệ trồng mây” của họ được cấp bằng sáng chế vào năm 1948.

Một vài thập niên sau, quân đội Mỹ đưa công nghệ “trồng mây” này ra chiến trường. Theo Business Times, trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn từ năm 1967 đến 1972, Mỹ đã chi ra gần 3 triệu USD mỗi năm cho các chiến dịch điều chỉnh khí hậu. Quân đội Mỹ muốn tạo ra các cơn mưa sớm và địa hình lầy lội, điều kiện hoạt động khó khăn cho quân dân Việt Nam trên tuyến đường Trường Sơn, chi viện người và nguồn lực từ miền Bắc hậu phương cho cuộc kháng chiến miền Nam. Một chiến dịch còn đặt mục tiêu tạo lũ nhấn chìm đường mòn Hồ Chí Minh. Thế nhưng cuối cùng thì các điều kiện thời tiết này cũng không cản bước được cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Các dự án “hô phong hoán vũ” của quân đội Mỹ được kết luận là tạo ra sức tác động rất ít.

Không làm mưa được thì xây… núi

Khi các hiệu quả của công nghệ tạo mưa nhân tạo vẫn còn cần được cải thiện, chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã tìm đến một giải pháp khác: Xây núi nhân tạo để kiểm soát thời tiết. Đất nước vùng sa mạc khô cằn đang đối mặt với các vấn đề hạn hán và thiếu nước trầm trọng. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy UAE bốc hơi hơn 275 triệu lít nước một năm.

Trong năm 2015, các dự án khoa học về điều chỉnh mưa nhân tạo đã ngốn hết của UAE gần 550.000 USD. Dự án xây núi nhân tạo là một cấp độ cao hơn của ý tưởng tạo mưa nhân tạo. Dự án này lấy ý tưởng là quy luật hơi nước lên xuống một bên sườn núi sẽ tạo ra lượng mưa hoặc tuyết ở sườn núi đó. Các nhà khoa học UAE đặt tham vọng tạo ra cả một sườn núi nhân tạo để đảm bảo hơi nước tụ lại một bên sườn núi và mang mưa đến xứ sở sa mạc.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu ngọn núi tạo mưa này nên có hình thù như thế nào thì sẽ hoạt động hiệu quả nhất. Reolof Bruintjes, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (Mỹ), được UAE mời làm lãnh đạo cho dự án đầy tham vọng này. Trả lời tờ Arabian Business, ông cho biết: “Trong mùa hè này, chúng tôi sẽ công bố tiến độ nghiên cứu đợt 1”. Số vốn nghiên cứu ban đầu cho ủy ban của ông Bruintjes là gần 400.000 USD.

Xuất khẩu… thời tiết

Theo Reuters, Trung Quốc muốn sử dụng các công nghệ điều khiển thời tiết để tạo ra gần 60 tỉ m3 mưa nhân tạo vào năm 2020. Thậm chí nước này còn đang có ý định “xuất khẩu” thời tiết nhân tạo. Tờ Siasat Daily cho biết phía Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ Ấn Độ tạo mưa nhân tạo các vùng hạn hán nghiêm trọng của đất nước. Một nhóm chuyên gia khí tượng học của Bắc Kinh, Thượng Hải và An Huy (Trung Quốc) đã đến Mumbai để nghiên cứu áp dụng kỹ thuật tạo mưa nhân tạo ở vùng Maharashtra.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không phải là nước duy nhất cố tìm cách thay đổi các quyết định của “mẹ thiên nhiên”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm