Tái chế xà bông, cứu trẻ em nghèo

"Tôi đã rất sốc khi biết số lượng xà bông bị vứt đi mỗi ngày", Kayongo nói. Mỗi năm có hàng trăm triệu bánh xà bông bị thải ra chỉ tính riêng ở Bắc Mỹ. "Tại sao chúng ta lại phí phạm quá nhiều xà bông như thế trong khi nhiều người khác không có xà bông để dùng?", CNN dẫn lời anh.

Tái chế xà bông, cứu trẻ em nghèo ảnh 1

Kayongo với các bánh xà bông đã được tái chế để phân phát cho trẻ em nghèo. Ảnh: CNN

Kayongo là một người gốc Uganda. Anh nảy ra ý tưởng tái chế xà bông từ đầu những năm 1990 khi đến Mỹ lần đầu tiên và nghỉ lại tại một khách sạn ở Philadelphia, Pennsylvania. Lúc đó, mỗi ngày phòng tắm của anh lại được thay một thanh xà bông mới, thậm chí cả khi chúng chẳng hề được sử dụng.

Với Kayongo, việc thu thập xà bông là nhiệm vụ đầu tiên giúp làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 2 triệu trẻ em chết vì bệnh tiêu chảy, chủ yếu là ở các nước nghèo và kém phát triển.

"Vấn đề không phải là nguồn cung cấp xà bông mà là giá cả của nó", Kayongo nói, "Một ngày họ chỉ kiếm được 1 USD, trong khi giá của bánh xà bông là 25 xu. Nếu là tôi, tôi sẽ dành số tiền đó để mua đường, mua thuốc và làm bất cứ điều gì để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, khi bị mắc bệnh do không rửa tay sạch sẽ, chi phí đến bệnh viện chữa trị còn tốn kém hơn".

Sau thời gian bỏ trốn khỏi Uganda và sống trong trại tị nạn, Kayongo trở thành một sinh viên đại học, một công dân Mỹ và là điều phối viên của tổ chức quốc tế CARE, một tổ chức nhân đạo tư nhân. Với sự giúp đỡ của người vợ, bạn bè địa phương và các khách sạn ở Atlanta, Kayongo đã bắt đầu thành lập Dự án Xà bông toàn cầu vào năm 2009.

300 khách sạn trên cả nước đã tham gia đóng góp cho dự án và tạo ra 100 tấn xà bông. Một vài khách sạn thậm chí còn ủng hộ bằng loại xà bông cao cấp có giá bán lẻ đến 27 USD mỗi bánh.

Những người tình nguyện trên khắp nước Mỹ đã tập hợp xà bông ở các khách sạn mà họ lưu lại và chuyển chúng đến nhà kho của nhóm ở Atlanta. Vào các ngày thứ 7, tình nguyện viên Atlanta đến đây để rửa sạch, tái chế và đóng gói các bánh xà bông này.

"Chúng tôi không pha trộn xà bông vì chúng có độ pH khác nhau, tính chất, mùi hương và màu sắc khác nhau", Kayongo nói. "Đầu tiên, chúng tôi làm sạch chúng sau đó nấu chảy ở nhiệt độ cao rồi làm đông chúng và cuối cùng cắt chúng thành từng bánh. Quá trình khá đơn giản nhưng bao gồm nhiều công đoạn".

Các bánh xà bông chỉ được chuyển đi khi đã qua kiểm duyệt độ an toàn bởi một phòng thí nghiệm. Dự án Xà bông toàn cầu sau đó lại làm việc với các tổ chức đối tác để vận chuyển và phân phối xà bông trực tiếp đến những người có nhu cầu.

Đến nay, dự án của Kayongo đã phân phát được hơn 100.000 bánh xà bông đến người dân ở 9 quốc gia, trong đó có Haiti, Uganda, Kenya và Swaziland.

"Khi chúng tôi phân phát xà bông, tôi có thể nhìn thấy sự háo hức, niềm vui và hạnh phúc trên gương mặt những người được nhận", Kayongo nói. "Điều đó nhắc nhở về ý thức của mọi người".

Theo Anh Ngọc (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm