Ấn Độ:

Phụ nữ tàn tật bị ngược đãi trong bệnh viện tâm thần

Trong một thành phố ở Mumbai, Vidya đang ở nhà một mình thì có ba người giả làm nhân viên y tế của chính quyền gõ cửa nhà bà.

Sau khi người phụ nữ 45 tuổi này cho họ vào nhà, họ đã đánh thuốc an thần và đem bà đi. Bà tỉnh dậy trong một bệnh viện tâm thần tư nhân với cửa sổ quấn dây thép gai, bị buộc phải uống thuốc và trải qua liệu pháp điện điều trị.

 Phụ nữ tâm thần ở Ấn Độ (Ảnh: BBC) 

Bà kể cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) rằng chính chồng bà đã đưa bà vào đó vì muốn ly dị bà dựa trên cơ sở bà có tính tình độc ác và bị “bệnh tâm thần”.
Cơ quan giám sát nhân quyền cho biết, phụ nữ và trẻ em gái tàn tật ở Ấn Độ thường xuyên bị nhốt trong bệnh viện tâm thần và các tổ chức tương tự. Ở đó, họ bị bạo hành, đối mặt với điều kiện sống dơ bẩn và bị ép sử dụng thuốc men trái ý muốn. 
Nhà nghiên cứu Kriti Sharma thuộc HRW nói: “Chính phủ không đủ sức cung cấp sự hỗ trợ và dịch vụ thích hợp”. Trong đất nước có 1,2 tỉ người này chỉ có 43 bệnh viện tâm thần công của nhà nước. Còn trong 1 triệu người Ấn chỉ có 0,47 nhà tâm lý học. 
Theo báo cáo của HRW mang tên “Bị đối xử tệ hơn thú vật”, có ít nhất 70 triệu người Ấn Độ bị các chứng rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực. Hơn 1,5 triệu người bị khuyết tật về trí tuệ như hội chứng Down. Nhưng chỉ có 0.06% ngân sách nhà nước dùng cho điều trị tâm thần. 
Sự thiếu thốn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần càng sâu sắc ở nông thôn, khu vực chiếm 7/10 dân số Ấn Độ nhưng chỉ có 25% cơ sở chăm sóc sức khỏe.
HRW cho biết, việc bạo hành thân thể và bằng lời nói diễn ra hàng ngày tại các tổ chức nhà nước hay bệnh viện tâm thần. Các nhà điều tra cũng phát hiện các trường hợp tấn công và lạm dụng tình dục mà hiếm khi các nạn nhân báo cáo vì sợ hậu quả. 
Một nhân viên phúc lợi tại một cơ sở chăm sóc nội trú cho phụ nữ nói với HRW rằng, có những phụ nữ tới bệnh viện tâm thần 3 tháng, khi trở về nhà đã mang thai 1 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm