"Nữ anh hùng" chống nạn vũ phu ở Trung Quốc

"Nữ anh hùng" chống nạn vũ phu ở Trung Quốc ảnh 1

Lee Kim bước ra khỏi tòa án sau một lần làm việc về vụ ly hôn kéo dài của cô ở Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Kim Lee còn nhớ như in cảnh tượng trong phòng khách, chồng túm lấy cô, dúi mặt cô xuống thảm, tát, một, hai, ba... Cô cố gắng xoay thân hình cao gầy của cô để thoát ra khỏi sức nặng 91 cân người chồng đang đè nghiến lên. Khuỷu tay và đầu gối của cô miết mạnh lên thảm. Nhưng anh ta vẫn không chịu buông tha. Tám, chín, rồi 10 lần cố sức mà không được, cô nghĩ cứ như vậy có lẽ cô sẽ đuối sức mà ngất đi.

Rồi cô thoáng nhìn thấy những ngón chân được sơn móng màu hồng sáng của cô con gái ba tuổi - Lydia - cạnh cửa. “Dừng lại!” Đứa bé khóc thét lên. “Bố! Bố làm gì vậy? Bố dừng lại đi.” Rồi cô bé nhảy lên lưng bố, cào vào cánh tay của Li Yang.

“Khốn kiếp!” Yang quát lên. Anh ta thả vợ ra và Lee thoát được.

Đó chẳng phải là lần đầu tiên Li Yang, một doanh nhân nổi tiếng tại Trung Quốc, đánh cô - người vợ Mỹ của anh ta. Nhưng lần này sẽ là lần cuối cùng, Lee tự nhủ.

Cô bế xốc đứa bé vẫn chưa hết hoảng sợ, lấy hộ chiếu cùng một tập tiền mặt, và bước ra khỏi căn hộ của hai vợ chồng ở Bắc Kinh. Chuyện của Lee đã làm dấy lên những đợt sóng dư luận mới đối với vấn nạn bạo lực gia đình tại Trung Quốc. Bản thân Lee bất ngờ trở thành “anh hùng” đối với những phụ nữ Trung Quốc vốn là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Ở bất cứ trên thế giới này, bạo lực gia đình luôn tồn tại trong những mảng tối của đời sống. Và ở Trung Quốc, nơi mâu thuẫn gia đình thường được coi là vấn đề riêng tư của các cặp vợ chồng thì bạo lực gia đình tồn tại được chính từ trong những góc khuất bí mật đó. Vả lại, cũng khó để công khai vấn đề này ở một đất nước nơi quan niệm truyền thống vẫn cho rằng phụ nữ cần phải tuân thủ, phục tùng chồng. Đồng thời về mặt pháp lý, không hề có một bộ luật cụ thể nào quy định về bạo lực gia đình.

Theo kết quả của các cuộc khảo sát, cứ bốn phụ nữ Trung Quốc thì có một người là nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình. Tỷ lệ này còn cao hơn tại các vùng nông thôn với hai phần ba phụ nữ là nạn nhân. Bạo hành gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức từ việc tấn công về thân thể, tình dục, tới việc gây tổn thương về tình cảm hoặc lạm dụng về mặt kinh tế.

Câu chuyện của Lee đã thu hút hàng chục ngàn bình luận trên một trang mạng xã hội ở Trung Quốc tương tự như Twitter, cùng với sự phản đối của dư luận cũng như các buổi thảo luận trên truyền hình.

“Rất nhiều người nói rằng “Ồ, không biết vụ việc có phải do Kim là một người Mỹ, và vì thế cô có một ý chí mạnh mẽ, hay tính cách cô ấy quá mạnh?’” Một số khác thì cho rằng rất có thể cô ấy đang có bé xé ra to hay không,” Feng Yuan, người sáng lập và đồng thời là chủ tịch mạng lưới chống bạo lực ở Bắc Kinh, nói.

“Điều này cho thấy, về mặt nhận thức của công chúng đối với bạo lực gia đình, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.”

Theo hãng tin AP, bằng chứng về câu chuyện giữa Li Yang và Kim Lee là những tấm ảnh, bức thư, tin nhắn, tài liệu của cảnh sát hay hồ sơ bệnh viện cũng như các cuộc phỏng vấn với Lee tại Bắc Kinh. Li Yang đã từ chối rất nhiều lời đề nghị phỏng vấn, tuy nhiên qua các cuộc trao đổi trên truyền hình và trên trang mạng xã hội của mình, anh ta đã thú nhận việc đánh vợ.

Hai người gặp nhau khi lần đầu tiên Lee đặt chân đến Trung Quốc năm 1999. Đối với cô, đó là cuộc gặp gỡ định mệnh.

Lúc đó Lee, một cô giáo tại Miami, đến thăm một trường học ở Trung Quốc để tìm hiểu về môi trường học tập song ngữ tại đây. Li Yang đã có mặt ở đó để nói chuyện về một chương trình giảng dạy của anh ta, khi đó đã khá nổi tiếng, có tên gọi “Crazy English”, một phương pháp học tiếng dùng nhiều đến cử chỉ. Chương trình có khẩu hiệu “Chinh phục tiếng Anh để xây dựng Trung Quốc giàu mạnh!” Thứ Li giành được còn hơn cả những bài giảng tiếng Anh. Anh ta đã thành công trong việc truyền đi một triết lý sống bằng cách gạt bỏ những e ngại, với một lòng yêu nước được rất nhiều người trong xã hội Trung Quốc hiện nay đồng cảm.

Li đã thuyết phục Lee chuyển đến Trung Quốc làm việc cho anh ta. Trong sự chia vui của các đồng nghiệp, Li còn ví bản thân anh ta như một “người đàn ông tuyệt vọng” còn cô chính là “Nữ hoàng Khỉ” trong câu chuyện cổ Trung Quốc có tên “Cuộc phiêu lưu đến phương Tây.” Trong bức thư gửi riêng cho cô, anh viết rằng “Người đàn ông tuyệt vọng không thể sống thiếu Nữ hoàng Khỉ của anh ta.”

Đám cưới được tổ chức tại một nhà thờ nhỏ ở Las Vegas. Vài năm sau cô con gái đầu lòng Lily ra đời. Tuy nhiên việc Li luôn bận bịu với công việc đã khiến cho quan hệ giữa hai người có dấu hiệu rạn nứt.

Một lần khi tranh cãi nhau về vấn đề tiền nong, anh ta đã tát cô một cái mạnh, Lee kể lại. Cô tự trách mình về việc này. “Hãy bỏ qua, đừng làm anh ấy giận,” cô đã nghĩ vậy. Một lần khác, khi tranh cãi trong công việc, anh đã đẩy cô trước mặt các đồng nghiệp.

Vào tháng 2/2006, khi Lee đang mang thai đứa con thứ hai được sáu tháng, chồng cô đã hứa đưa cô đến bệnh viện khám thai. Nhưng anh không làm. Lee về nhà, xóa đi bốn chương trong cuốn giáo trình cô đã viết cho anh. Khi anh gọi điện, cô bảo “Tôi chỉ muốn cho anh hiểu cảm giác khi mình trông cậy vào một người để làm một việc gì đó, nhưng họ lại không làm.”

Anh ta dập máy.

Ngày hôm sau, khi cô đang nướng bánh cùng con gái, anh lao vào bếp, giật cái chảo đang nóng khỏi tay cô. Anh túm tóc cô, dúi cô ngã xuống sàn và bóp cổ cô. Cô với lên đẩy cái giá treo quần áo về phía anh ta, khiến anh phải buông cô ra.

Tuy nhiên anh cũng kịp đá cô vài cái vào mạng sườn, trong khi cô cố quay người để bảo vệ đứa bé trong bụng. Mặc dù chân và toàn thân cô thâm tím, kết quả siêu âm cho thấy thai nhi không bị ảnh hưởng. Li sau đó đã giải thích rằng, anh ta thấy không chịu được khi công việc có thể bị ảnh hưởng.

Lee không kể lại việc cô bị đánh với gia đình và bạn bè. Cô cho rằng việc đó là lỗi của cô đã chọc giận anh ta, và chồng cô có vẻ rất hối lỗi.

Cô cũng nói lại chuyện này với chị gái của chồng. Chị của Li đã gạt đi: “Chẳng có gì đâu. Đàn ông nào mà chẳng thế.”

Quan niệm rằng tất cả đàn ông đều bạo lực - hoặc có quyền được bạo lực, rất phổ biến ở nhiều nơi tại Trung Quốc.

Tương tự như nhiều nước khác, đàn ông trong lịch sử có vai trò cai quản gia đình, có quyền đối với phụ nữ. Tại Trung Quốc, Khổng giáo cho rằng phụ nữ phải theo “tam tòng” nghĩa là khi còn nhỏ phải theo sự sắp đặt của cha, khi lấy chồng phải theo chồng, và khi chồng qua đời, thì phải theo các con trai. Những phụ nữ dám vượt ra ngoài khuôn khổ này đều có thể bị đánh đập. Chủ nghĩa xã hội đã mang lại những điều luật mới cho phép phụ nữ được bình đẳng hơn, được làm việc cùng nam giới, và tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ đã tạo ra những bước chuyển đáng kể trong xã hội Trung Hoa. Tuy nhiên bất bình đẳng giới vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Không có bất cứ số liệu chính thức nào về tình hình bạo lực gia đình tại Trung Quốc hiện nay, và vấn nạn này thường không được báo cáo. Tuy nhiên một cuộc khảo sát trên toàn quốc gần đây do Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc thực hiện cho thấy 25% phụ nữ thừa nhận họ bị chồng bạo hành, số liệu này cho thấy tỷ lệ phụ nữ Trung Quốc bị bạo hành chỉ tương đương với ở Mỹ. Theo những nghiên cứu trên địa bàn nhỏ hơn thì tỷ lệ này ở các vùng nông thôn của Trung Quốc lên đến 65%.

“Những số liệu này chỉ là phần nổi của tảng băng,” theo Feng, nhà vận động chống bạo hành gia đình. “Tảng băng đó thật sự lớn thế nào, chúng ta không biết được.”

Wei Tingting là một trong số 10 nhà hoạt động, tham gia biểu tình ủng hộ Kim Lee trong ngày lễ Tình nhân trên một con phố đi bộ đông đúc tại Bắc Kinh. Cô và hai phụ nữ khác mặc những chiếc áo cô dâu vấy đỏ bởi máu giả, và hóa trang với những vết thâm tím trên mặt.

Nơi Wei lớn lên - một vùng nông thôn tại tỉnh Quảng Tây, một tỉnh miền nam Trung Quốc - cô thường thấy bố cô đánh đập mẹ. Ông nội cô cũng đánh bà nội nữa.

“Tất cả những người hàng xóm cũng làm thế. Ai cũng cho rằng đó là chuyện bình thường. Người ta đánh đập một phụ nữ vì cô ấy mắc lỗi,” Wei, 23 tuổi, nói. “Một số phụ nữ thậm chí cũng cho rằng đó là lỗi của họ, và vì thế họ bị đánh đập.”

Li Yang lớn lên tại một thành phố tại vùng Tân Cương ở miền tây xa xôi. Khi còn bé anh là một đứa trẻ nhút nhát, sợ không dám trả lời điện thoại hoặc ra khỏi nhà. Năm 2004, cha anh, ông Li Tiande kể trong một bài báo rằng ông đã nuôi dạy con trai một cách nghiêm khắc. Ông nhắc lại một lần khi một người cùng cơ quan nói với ông rằng con trai ông đã nghịch ngợm gì đó.

“Lúc đó, tôi thấy mình thật mất mặt,” ông Li Tiande nói. “Vậy nên tôi đã cho nó một trận đòn khi tôi về đến nhà.”

Sau xì căng đan đánh vợ bị công chúng biết đến, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CCTV, Li Yang đã thừa nhận rằng mối quan hệ giữa anh và bố mẹ đã để lại nhiều hậu quả về mặt tinh thần cũng như thể xác đối với anh. Li cho rằng anh vẫn còn cảm thấy buồn bã về điều đó.

“Tôi thậm chí không dám cầm tay, hay ôm bố một cái,” Li nói. “Có một cái gì đó đổ vỡ giữa chúng tôi. Tôi đã lớn lên trong một môi trường thiếu thốn tình yêu. Và bởi thế bạn sẽ thấy rằng khả năng yêu thương của tôi rất kém. Đó chính là vấn đề.”

Cho đến năm 2009, Kim Lee đã lập kế hoạch để thoát ra khỏi cuộc sống chung với chồng. Nhưng làm thế nào đây? Cô làm việc cho công ty của chồng và không có bất cứ thu nhập cá nhân hay tài khoản ngân hàng riêng nào. Cô sống trong căn hộ do chị gái của chồng đứng tên, và sử dụng tiền mặt Li mang về hàng tháng. Bởi vậy cô lo sợ rằng nếu không có tiền, cô sẽ mất quyền chăm sóc con. Cô hoãn lại kế hoạch đó. Lee nói với chồng, cô muốn một ngôi nhà đứng tên cô, một tài khoản ngân hàng của cô, và muốn chồng tham gia chương trình bảo hiểm nhân thọ.

“Anh nắm giữ tất cả mọi thứ trong cuộc đời của tôi,” cô phàn nàn.

“Im ngay,” anh ta cảnh cáo.

“Tôi sẽ không im,” Cô đáp lại.

Anh ta đứng lên. “Tôi nói cô ‘câm ngay.’”

Cô cũng đứng lên. “Tôi sẽ không câm,” cô nói.

Bạo hành bắt đầu. Lần bạo hành này đã khiến cô bỏ nhà ra đi. Khi anh ta buông cô ra, cô bế Lydia và đi đến đồn cảnh sát. Đến nơi, cô dừng lại một giây trước cửa, sau đó cô nghĩ về cô con gái bé nhỏ, Lee hít một hơi thở sâu, bước vào.

Cảnh sát bảo cô rằng họ cũng chẳng làm gì được nếu chồng cô không có mặt. Họ đưa cô đến bệnh viện, nơi các bác sĩ là nam giới khám cho cô, đánh dấu những chỗ bị thương trên cơ thể cô, chụp lại các vết bầm tím trên trán, đầu gối, khuỷu tay và lưng cô. Cô tránh không nhìn vào mắt họ.

Đêm đó, Li nhắn tin cho cô rằng anh ta đã đánh mới chỉ có 10 lần, và rằng cái thảm đã làm giảm độ mạnh của các cú đập người xuống sàn của cô. “Tôi không độc ác đến vậy,” anh ta viết.

Anh ta cũng từ chối đi đến đồn cảnh sát. Vì vậy cô biết cách tốt nhất cô có thể khiến anh ta phải bận tâm đến cô là qua Internet.

Đầu tiên, cô đưa lên trang Weibo của cô một tấm ảnh với cái trán sưng vù. Sau đó là tấm ảnh với các vết bầm tím trên hai đầu gối. Tiếp theo một tấm ảnh chụp chính diện cái trán sưng của cô, và rồi một tấm nữa chụp tai cô chảy máu.

Cách của cô tỏ ra hiệu nghiệm. “Crazy English” là một thương hiệu gia đình, và Li sẽ mất rất nhiều nếu công chúng, những người trả hàng nghìn tệ để nghe anh ta thuyết trình, biết đến các chuyện xấu của anh ta.

“Kim, làm ơn xóa cái tài khoản Weibo ấy đi,” Li viết trong một tin nhắn, nói về tài khoản trên trang mạng xã hội của cô. “Nó sẽ làm hỏng rất nhiều thứ. Anh yêu em.”

Cô không xóa. Các hình ảnh của cô được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Lúc đầu cô chỉ có khoảng hơn hai chục người đăng kí cập nhật tin từ tài khoản. Ngay sau đó chỉ vài ngày là 20.000. Cho đến thời nay số này đã tăng lên gấp ba lần.

Chồng cô cố miêu tả vụ tranh chấp - và cả cuộc hôn nhân của hai người - như là những mâu thuẫn chủ yếu vì khác biệt văn hóa đông - tây.

Anh ta trả lời phỏng vấn trên TV rằng anh đã cưới Lee vì muốn nghiên cứu cách người Mỹ dạy con cái thế nào. Anh ta đã biến mối quan hệ hôn nhân thành một thử nghiệm về giao thoa văn hóa. Anh miêu tả cô là một phụ nữ Mỹ với quan niệm rằng gia đình quan trọng hơn sự nghiệp và đất nước, rằng cô đã không nhận ra rằng chuyện gia đình ở Trung Quốc là vấn đề riêng tư, và một người đàn ông Trung Quốc cần được tha thứ nếu anh ta có thỉnh thoảng đánh đập vợ mình.

“Tôi vẫn cho rằng, mọi thứ xảy ra trong gia đình, không nên được công khai,” Li trả lời trong một chương trình truyền hình. “Tôi cho rằng điều đó có thể gây hại rất lớn cho tôi và cho sự nghiệp của tôi. Tôi đã yêu cầu cô ấy gỡ các tấm ảnh đó xuống. Nhưng cô ấy không chịu.”

Văn hóa đã trở thành một phần quan trọng trong những thảo luận về vụ việc này. Cánh đàn ông thì cho rằng mặc dù bạo hành là không đúng, nhưng xét cho cùng bạo hành xảy ra là do đàn ông Trung Quốc phải chịu nhiều áp lực khi phấn đấu cho sự nghiệp và kiếm tiền về cho gia đình. Một số người cho rằng chỉ nhờ một vụ việc đòi công bằng cho một phụ nữ ngoại quốc mà cái bí mật mà ai cũng biết ở Trung Quốc được phanh phui.

Tháng 10 năm đó, cô nộp đơn ly dị. Anh ta đáp lại bằng một tin nhắn: “Cô tưởng rằng, những người Mỹ các cô thông minh hơn à??? Cứ chờ xem!!!”

“Không, Li Yang. Đây chính là cách suy nghĩ của anh với nỗi sợ hãi, và sự vòng vo,” Lee nhắn lại. Cô đòi một nửa tài sản của anh ta. “Cuộc chiến của chúng ta không phải giữa hai quốc gia, mà là giữa hai con người.”

Cho đến nay hồ sơ vụ việc đã được đưa ra tòa, và cô không thể làm gì khác ngoài chờ đợi. Li cho rằng vụ việc chỉ đơn thuần là một vụ ly dị và anh ta không đáng bị cáo buộc là phạm tội bạo hành, vì anh ta không đánh đập cô thường xuyên trong nhiều năm chung sống.

Trong khi chờ đợi, Lee đã thay khóa căn hộ. Tuần trước, chồng cô giận dữ nhắn tin cho cô rằng: “Nếu ở Mỹ, cô đã có thể bị chồng cô bắn chết. Đấy là cách Mỹ. Cô thật may mắn vì đang sống ở Trung Quốc.”

Sau đó anh ta lại nhắn lại, thật ngắn gọn: “Tôi sẽ giết cô!”

Tuy vậy khi được hỏi liệu cô còn yêu anh ta không, Lee nói cô cũng không biết nữa.

“Tôi ghét việc anh ấy đã làm đối với tôi và gia đình của chúng tôi... nhưng tôi không thể nói rằng tôi ghét anh ta,” Lee nói. “Có lẽ câu hỏi hay hơn lúc này không phải là liệu tôi còn yêu anh ta không mà là liệu tình yêu có đồng nghĩa với việc phải chấp nhận và tha thứ cho một người đã bạo hành mình hay không?”

“Với tôi thì không.”

Theo Cao Thu (VNE / AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm