Người Trung Quốc trở lại mốt đi xe đạp

Người Trung Quốc trở lại mốt đi xe đạp ảnh 1

Người Trung Quốc đang trở lại với mốt đi xe đạp. Ảnh: EPA

Hai mươi năm qua, số lượng xe máy và ô tô ở Trung Quốc tăng mạnh, xe đạp dường như là phương tiện của thời đã qua, thậm chí còn bị cấm trên một số tuyến phố vào giờ cao điểm.

Thế nhưng một thế hệ mới người Trung Quốc, được truyền cảm hứng từ Nhật Bản và phương Tây, đang quay trở lại với mốt đi xe đạp. Năm nay, những mẫu xe đạp sặc sỡ được bày trí tại các cửa hàng thời trang sành điệu nhất của Thượng Hải cũng như xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo cho những nhãn hiệu nổi tiếng như Lee và Levi's.

"Trong 6 tháng qua, nếu theo dõi tất cả các tạp chí thời trang Trung Quốc, ít nhất một nửa trong số đó đưa hình ảnh xe đạp lên trang bìa hoặc lấy nội dung chính liên quan đến xe đạp", Tyler Bowa, một người Canada làm về xe đạp ở Thượng Hải nói.

"Hai năm trước, không có nơi nào viết về xe đạp, còn bây giờ nhiều diễn đàn trên Internet với một triệu lượt người truy cập một lần đều nói về xe đạp và đăng tải những hình ảnh chụp với xe đạp", ông nói.

Một nhóm yêu xe đạp ở Trung Quốc cũng bắt đầu tổ chức những chuyến đạp xe lúc nửa đêm qua nhiều thành phố trên cả nước, thời điểm có ít phương tiện đi lại.

Với nam giới, sở hữu một chiếc xe đạp đẹp cũng giống như phụ nữ mang một chiếc túi xách thời trang. Nó hoàn thiện vẻ bề ngoài của họ. Những chiếc xe đạp đắt tiền của các hãng Ferrari và Lamborghini cũng được ưa chuộng. Xie Jian, một quản lý bán hàng khu vực của Qida, nhà nhập khẩu hai nhãn hiệu xe trên, cho biết có ít nhất một chiếc xe đạp Lamborghini giá gần 54.000 USD, được bán ra mỗi tháng tại thành phố giàu có Ôn Châu.

"Các ông chủ, các nhân viên văn phòng, các ngôi sao điện ảnh, diễn viên truyền hình đều mua những chiếc xe đạp đắt tiền này", Tong Jing, một nhân viên bán hàng cho Qida ở Hàng Châu, nói.

UCC, một công ty cao cấp của Đài Loan bán những chiếc xe đạp với giá từ 800 USD tới 8.000 USD, cũng bán sạch lô hàng của mình tại một triển lãm gần đây. "Chúng tôi bắt đầu bán xe của UCC vào năm 2008 và giờ đã bán được 3.000 chiếc", Wu Yamou, tổng giám đốc của Rapid Trading, nhà nhập khẩu xe đạp UCC cho biết.

"Xe đạp đang ngày càng được ưa chuộng. Trong tương lai, mọi người sẽ không còn nghĩ đây là một loại phương tiện rẻ tiền nữa mà sẽ xem đó là một lựa chọn cho sức khỏe và thời trang. Ở miền nam, đã có vài nghìn km đường dành cho xe đạp, nối với các thành phố, rất thích hợp cho việc đạp xe cuối tuần", ông nói.

Tại chuỗi cửa hàng Sprocket ở Thượng Hải, các tay đua có thể mua xe đạp thể thao cho các cuộc đua hàng tháng ở các vùng ngoại ô. "Trước đây, mọi người không có thời gian để theo đuổi sở thích, nhưng trong 5 năm trở lại đây, đua xe đạp đang ngày càng phổ biến. Doanh thu của chúng tôi năm nay tăng 30%", Chain Zou, chủ cửa hàng nói.

Trung Quốc được mệnh danh là "Vương quốc của xe đạp" vào những năm 1950, khi xe đạp được xem là giải pháp chi phí thấp đối với giao thông công cộng, và chúng trở thành một trong ba tài sản phải có ở mỗi gia đình, cùng với máy khâu và đồng hồ.

Đến những năm 1980, một chiếc xe đạp tốt là biểu tượng vị thế xã hội cao với những nhãn hiệu nổi tiếng nhất như Bồ câu bay, Phượng hoàng và Vĩnh cửu, những nhãn hiệu xe có giá bằng 4 tháng lương thời đó. Đây cũng là món quà sang trọng mà Trung Quốc tặng cho các đại sứ nước ngoài. Tuy nhiên, đến cuối những năm 1990, một trong bốn nhãn hiệu thuộc doanh nghiệp nhà nước này bắt đầu bị "xếp xó" khi người Trung Quốc chạy theo trào lưu ôtô.

Theo Anh Ngọc (VNE / Telegraph)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm