Người Liên Xô cuối cùng ra tù

Ông Vasily Babina (58 tuổi) bắt đầu thụ án tù vào năm 1991, thời điểm ông vẫn là một công dân của Liên Xô, với các tội danh trộm, cướp và giết người. Chỉ vài tháng trước khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, ông bị tòa tuyên án tử hình và chỉ còn biết chờ ngày thi hành bản án.

Thoát chết nhưng mất danh phận

Các rối ren trong những ngày kết của nhà nước Liên bang Xô Viết đã cứu ông thoát chết. Bản án ông được hoãn thi hành không rõ thời hạn. Rồi đến năm 1997, chính phủ Liên bang Nga quyết định bãi bỏ mức án tử hình khỏi Bộ luật Hình sự. Người tù tại phòng giam IR-56 được cứu khỏi lưỡi hái tử thần và thay bằng bản án tù 26 năm, bao gồm luôn cả sáu năm ngồi tù trước đó của ông. Vasily Babina đã thoát chết ngoạn mục.

Khi được cho ra tù vào tháng 2-2017, ông Babina được trả lại hộ chiếu và khôi phục tư cách công dân của mình nhưng lại là công dân của một quốc gia đã không còn tồn tại trên bản đồ thế giới suốt 26 năm nay. Bản thân ông Babina cũng không có giấy tờ tùy thân nào khác do bị bắt giam vào thời buổi rối ren khi Liên Xô bên bờ vực sụp đổ. Sau khi Liên Xô tan rã, chính phủ Nga đã khởi động tiến trình thay đổi hộ chiếu cho những công dân Liên Xô cũ để họ có quốc tịch mới. Tuy nhiên, theo ông Alexei Sokolov, luật sư nhân quyền tham gia bảo vệ cho ông Babina, không hiểu vì sao đến nay phạm nhân phòng giam IR-56 không được thay đổi hộ chiếu, trang E1.RU cho biết.

Cơ sở giam giữ ông cũng có lần đã viết thư báo với cơ quan di trú quốc gia, khẳng định họ có một phạm nhân không có quốc tịch. Nhưng vấn đề vẫn chìm vào quên lãng và không được giải quyết suốt 26 năm qua. Để rồi giờ đây chính quyền TP Yekaterinburg đứng trước bài toán đau đầu: Số phận của “công dân Xô Viết cuối cùng” sẽ đi đâu về đâu?

Cơ sở tập trung người nhập cư tại TP Yekaterinburg, nơi ông Babina sẽ được tạm giữ đến cuối tháng 5-2017. Ảnh: E1.RU

Đi đâu về đâu đây, ông Vasily Babina?

Tòa án TP Yekaterinburg quyết định tuyên ông Babina giờ đây đã trở thành một “người không quốc gia”. Theo phán quyết của tòa án, người “công dân Xô Viết cuối cùng” sẽ được tạm giữ tại trung tâm người nhập cư của TP đến ngày 28-5-2017 cùng với những người nhập cư bất hợp pháp mà hiện TP Yekaterinburg đang quản lý, trang tin E1.RU (Nga) cho biết. Khi hết hạn tạm giữ, tòa án địa phương sẽ xem xét có nên tiếp tục gia hạn thời gian tạm giữ ông Babina tại trung tâm hay không. Ông Roman Kachanov, luật sư của ông Babina, cho biết: “Bộ Tư pháp Nga đã kết luận rằng họ không muốn ông Vasily Babina tiếp tục ở lại nước Nga. Phía chính phủ vẫn chưa đưa ra lý do vì sao họ ra quyết định này”.

Quê hương ông từ trước khi Liên Xô sụp đổ chính là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Kazakhstan, giờ đây đã trở thành nước Cộng hòa Kazakhstan độc lập. Biện pháp tối ưu nhất mà TP Yekaterinburg mong muốn là trục xuất ông trở về nơi đó. Thế nhưng theo tờ Moscow Times, chính quyền nước láng giềng của Nga vẫn chưa có phản hồi chính thức trước các yêu cầu xác nhận tư cách công dân Kazakhstan cho ông Babina. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền tại Nga đã cố gắng tìm cách hiện thực hóa nguyện vọng của ông Babina, đó là được đoàn tụ cùng gia đình mình tại vùng Altai thuộc lãnh thổ Liên bang Nga.

Được cứu thoát khỏi án tử hình 26 năm trước, giờ đây ông Vasily Babina lại rơi vào tình cảnh nghiệt ngã: Đất nước mà gia đình ông đang sinh sống không muốn giữ ông lại, còn đất nước là quê hương của ông thì không còn tồn tại và đất nước mà ông có thể trở thành công dân chưa chắc chịu tiếp nhận ông. Vasily Babina giờ đây mang thân phận “không quốc gia”, không có quyền công dân và cũng không biết gọi đâu là quê nhà.

Những người “không có quốc gia”

Ông Babina không phải là trường hợp người không quốc gia độc nhất. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính, hiện trên thế giới còn có khoảng 3,5 triệu đến 12 triệu người đang trong tình cảnh không có quốc gia, không có giấy tờ tùy thân xác định quốc tịch. Tình cảnh không có giấy tờ tùy thân, hoặc giấy tờ tùy thân thuộc về một quốc gia không còn tồn tại và không được thừa nhận, đẩy những người “không có quốc gia” vào tình cảnh “khó tiếp cận với những quyền lợi căn bản nhất” và cả một cuộc đời đầy những chông gai, cơ quan người tị nạn Liên Hiệp Quốc nhận định.

Tại Nga vẫn còn có một số nhóm cư dân rơi vào tình cảnh “không có quốc gia”, chẳng hạn như cộng đồng người gốc Romani và cộng đồng người Thổ gốc Meskheti (Georgia). Theo Tổ chức giám sát quốc tế về tình trạng không quốc gia (IOS) - đặt trụ sở tại London, Bangkok, Nairobi và Washington, D.C. - hiện Nga có khoảng 220.000 đến 400.000 người gốc Romani. Một phần không rõ số lượng trong cộng đồng này vẫn đang sống trong tình cảnh không quốc gia. Sau khi Liên Xô tan rã, một số trường hợp người gốc Romani đã không được chính quyền đổi hộ chiếu Xô Viết thành hộ chiếu Nga vì bị xem là người ngoại quốc. Một bộ phận người Thổ tại vùng lãnh thổ Krasnodar ở miền Nam nước Nga cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Những người gốc Việt không quốc gia ở Campuchia

Tại khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận nhiều cộng đồng người thiểu số rơi vào tình cảnh “không có quốc gia”, điển hình như vấn đề cộng đồng người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar đang khiến khu vực và quốc tế lo ngại thời gian gần đây.

Tại khu vực Biển Hồ (Tonlé Sap) ở Campuchia cũng có cộng đồng người gốc Việt lưu lạc và sinh sống đông đảo. Nhiều người vẫn đang trong tình cảnh không có giấy tờ tùy thân và rơi vào diện “không có quốc gia”. Chính phủ Campuchia từ chối công nhận những người gốc Việt không có giấy tờ tùy thân là công dân nước họ. Việt Nam đã nỗ lực hợp tác rất nhiều với nước bạn để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện bình thường hóa cuộc sống cho người gốc Việt tại Biển Hồ có mong muốn hồi hương. Tuy nhiên, con đường tìm kiếm một giải pháp triệt để giúp thay đổi cuộc sống cho người dân tại Biển Hồ vẫn vô cùng chông gai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm