Nghệ nhân Trung Hoa là… người Pháp

Nghệ danh đối với một nghệ nhân là chuyện bình thường. Nhưng lấy tên thật của một người khác gán cho mình, thêu dệt nhân thân của mình để đánh lừa thiên hạ và thao túng thị trường nghệ thuật vốn khép kín thì lại là một chuyện khác. Sau khi đã bán tranh do chính mình vẽ suốt 10 năm bằng một cái tên giả, nghệ nhân này nay đã lột mặt nạ.

Ngậm quả đắng xứ người

Trong cuộc triển lãm mới đây diễn ra tại Bắc Kinh, dưới một cái tên giả, nghệ nhân này đã quyết định bước ra ánh sáng. Ông quả quyết rằng “lộ trình” vừa qua là để “đùa giỡn với thị trường và với những bức vẽ” của chính mình. Trích dẫn từ bản lý lịch giả mạo của nghệ nhân này ghi rõ: “Nơi sinh: Miền Nam Trung Quốc” nhưng Tao Hongjing - một “nghệ nhân Trung Hoa” đã từng có tranh được triển lãm tại Tokyo, Paris và cả New York lại có cặp mắt xanh và nước da trắng y hệt một “lão ngoại” (biệt danh mà người Trung Quốc dùng để gọi người phương Tây).

Mà đúng thật vậy, mới đây ông “nghệ nhân Trung Hoa” 36 tuổi này đã vừa cười vừa nói: “Tên thật của tôi là Alexandre Ouairy”. Y như rằng: Ông ta sinh ra tại Nantes, một TP miền Tây nước Pháp, đã theo học chuyên ngành mỹ thuật tại TP Grenoble, tỉnh Isère thuộc miền Đông-Nam, rồi năm 2000 khăn gói sang tận Thượng Hải của Trung Quốc để “làm một chuyến phiêu lưu” trong một TP mà các phòng tranh nghệ thuật gần như vắng bóng. Và tại một trong những phòng tranh hiếm hoi đó, “ngài Ouairy” đã bắt đầu tung tranh ra triển lãm, ban đầu là lấy tên thật của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian ông ta nhận ra một thực tế là: “Công chúng gần như chẳng quan tâm đến các tác phẩm của tôi”. Vì sao? Ông giải thích bằng một câu ngắn gọn: “Chỉ vì tôi là người nước ngoài”.

Mà trong TP Thượng Hải của thập niên 2000, các nghệ nhân Trung Hoa đang lên như diều gặp gió và thu hút mọi quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật. “Các nhà sưu tập đa số là người nước ngoài và họ chỉ muốn mua tranh của các họa sĩ Trung Quốc bởi đối với họ đây là một hướng đầu tư tốt”. Từ thực tế phũ phàng này, Alexandre Ouairy cảm thấy mình bị hắt hủi, bị “thất vọng não nề” vì không “tìm được tiếng nói chung” với khách tham quan và với các nghệ nhân người bản xứ thông qua các bức tranh dường như là “vô danh” của mình.

Alexandre Ouairy chụp ảnh trước các bức họa của “nghệ nhân Tao Hongjing” khi sắp khai trương triển lãm tại Red Gate Gallery tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Túi xách giả thì… người cũng giả được

Đến năm 2005, thị trường mua bán tranh nghệ thuật đương đại đang lên mạnh tại Trung Quốc. Alexandre Ouairy bỗng nảy ra một ý tưởng táo bạo mà ông cho là một bước đột phá thần kỳ: “Tôi nhìn thấy tại Thượng Hải xuất hiện nhan nhản các sản phẩm hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu lớn như Louis Vuitton hay Prada. Và tôi tự nhủ: Nếu họ biết làm ra được những chiếc túi xách giả thì tại sao mình lại không thể làm ra được một nghệ nhân Trung Hoa giả cơ chứ?”.

Nghĩ là làm, Alexandre Ouairy đã chiêu dụ được ông chủ phòng tranh người Trung Quốc, người đã đứng ra tổ chức các đợt triển lãm tranh cho mình và đề nghị ông này “hợp tác” để “xào nấu” cho ra một bản lý lịch ảo cho một nghệ nhân hư cấu, kết hợp và nhào nặn lại từ các chi tiết nhân thân của Alexandre Ouairy và của ông chủ phòng tranh kia. Và sau cùng là đặt cho “nghệ nhân” đó một cái tên Tao Hongjing. Alexandre Ouairy đã thỏa mãn: “Là lấy cảm hứng từ một nhà hiền triết Trung Hoa vào thế kỷ 4-5 đó mà, tôi thì luôn thích đùa dai vậy!”.

Đùa dai mà ăn thật

“Chẳng mấy chốc sau đó, thành công đã ào đến với tôi” - Alexandre Ouairy kể. Các tác phẩm của “danh họa Tao Hongjing” đã thật sự tạo ra cú hích trên thị trường tranh nghệ thuật và công chúng yêu hội họa nhanh chóng chú ý đến một danh họa họ Tao của Trung Quốc. “Trước đây tôi chỉ bán được 1-2 bức tranh sau một đợt triển lãm thì nay mỗi tháng tôi cũng bán ra được 1-2 tác phẩm” - Ouairy nói.

Ouairy vô cùng hả dạ: “Suốt 5-6 năm qua, không ai biết rằng Tao Hongjing chính là tôi” bởi vì “ngài Ouairy” luôn ẩn danh trong những lần khai trương phòng tranh, nơi mà ông ta chỉ đến và tự giới thiệu mình là một “trợ lý của danh họa Tao Hongjing” mà thôi. Chưa kể đến một tuyệt chiêu khác của Ouairy là khi được cánh nhà báo đề nghị xin phỏng vấn trực tiếp “danh họa Tao Hongjing” thì họ được trả lời rằng “danh họa Tao” chỉ đồng ý trả lời qua điện thoại, để rồi sau đó Ouairy sẽ nhanh chóng thu xếp nhờ ông chủ phòng tranh người Trung Quốc kia trả lời bằng tiếng Hoa trong cuộc phỏng vấn điện thoại thì đố mà ông nhà báo nào biết được “nghệ nhân Tao Hongjing” này đang là một… người Pháp bằng xương bằng thịt!

Thế là trong vòng 10 năm, các tác phẩm của “danh họa Tao Hongjing” tăng giá vùn vụt. Nhớ lại khi nghệ nhân đó còn là Alexandre Ouairy thì mỗi tác phẩm chỉ bán được khoảng 1.500 nhân dân tệ thì nay đã có thể vọt lên đến 200.000 tệ khi ông ta trở thành… Tao Hongjing! “Ngài Ouairy” nhìn nhận: “Làm kinh tế là thế đấy! Tôi chơi trò đấy đấy, vì khi chuyển sang giới thiệu mình là một người Trung Hoa thì bước chuyển bại thành thắng là cái chắc”.

“Tôi thành danh đến đây là đủ rồi”

Chuyện hiện nay là Alexandre Ouairy đã quyết định xuất đầu lộ diện sau ngần ấy năm “núp bóng” Tao Hongjing. Vì sao? Và chuyện gì sẽ xảy ra sắp tới? Ouairy đáp: “Giờ thì thật sự tôi không cần đến vỏ bọc “Tao Hongjing” nữa. Trường phái của tôi là “nghệ thuật chuyển tải khái niệm” (Conceptual art), lĩnh vực này hiện nay đã thu hút công chúng rất nhiều so với 10 năm trước đây, thêm vào đó khác biệt văn hóa giữa người Trung Quốc và người nước ngoài hiện cũng đã thu hẹp khoảng cách và nhất là tôi cũng đã thành danh đến đây là đủ rồi”.

Âu cũng là một canh bạc lớn đối với Alexandre Ouairy. Nhưng sự thật “Tao Hongjing” là ai? Theo sử liệu, Đào Hoằng Cảnh (Tao Hongjing, 456-536) là người Mạt Lăng, Đan Dương (nay là Nam Kinh, Giang Tô). Ông học rộng và có nhiều tài trong y dược, nhất là thảo dược. Ông còn giỏi văn học, nghiên cứu thiên văn, lịch pháp, địa lý, luyện đơn, đúc kiếm... Sau khi nhà Nam Tề được thành lập, ông vào triều làm chức thị độc cho các vua, được vua quan ưa chuộng. Nhưng đến năm Vĩnh Minh thứ 10 (492), ông từ quan về ở ẩn trên núi Mao Sơn, huyện Câu Dung, Đơn Dương (nay là Giang Tô), chuyên lo luyện đơn và trứ thuật suốt 40 năm và được người dân lúc bấy giờ gọi là “Tể tướng sống trong núi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm