Một triệu bữa ăn từ thiện cho người New York

Các nhân viên của sở cảnh sát thành phố và cảnh binh quốc gia cũng sẽ đi đến từng nhà, gõ cửa và hỏi xem có ai cần trợ giúp hay không. Hội chữ thập đỏ đã thiết lập 12 bếp ăn di động có đủ khả năng nấu 200.000 suất mỗi ngày để hỗ trợ những người thiếu đói.

"Tôi sẽ cùng với họ, đưa 1 triệu nữa ăn đến New York, bằng bất cứ cách nào", thống đốc bang New York Andrew Cuomo thông báo trong một cuộc họp hôm qua.

Một triệu bữa ăn từ thiện cho người New York ảnh 1

Dòng người xếp hàng ở New York hôm qua chờ nhận thức ăn, nước và các nhu yếu phẩm sau bão. Ảnh: AFP

Dù thành phố dần hoạt động trở lại sau siêu bão, hậu quả của Sandy vẫn còn ngổn ngang khắp nơi. Nhiều tổ chức tư nhân như các hội từ thiện và nhà thờ đã nhanh chóng bắt tay vào việc cứu trợ. Tại các khu vực, các bếp ăn từ thiện đã mọc lên từ hôm qua, cung cấp đồ ăn miễn phí nóng cho người già, trong lúc điện vẫn chưa được khôi phục.

Căn hộ của bà Judith Vorreuter, 72 tuổi, nằm ở tầng một tại East Village của thành phố. Nó đã chìm vào trong một biển hỗn độn bùn và nước do Sandy mang đến. Hàng xóm cứu mạng bà trong bão, và giờ thì căn nhà bà đầy bùn.

"Tôi mất hết cả quần áo, sách vở và tài liệu. Đồ ăn thức uống cũng hỏng hết cả", bà nói. Vorreuter giờ ở nhờ nhà một người bạn, nhưng nhà không có điện. "Chúng tôi gặp khó khăn về chuyện ăn uống. Mọi cửa hàng đều đóng. Từ đầu tuần tới giờ chúng tôi chỉ ăn chuối, táo và sô cô la".

Nhà thờ ở East Village đã lập bếp ăn di động ở quảng trường. "Vì bão nên điện mất, chúng tôi không có gì ăn. Chúng tôi đến đây và được ăn súp, sô cô la và cả nước quả nữa. Chúng tôi được cho áo và tất mới. Giờ chỉ cần ở đây và chờ cho mọi việc qua đi", một người đến bếp ăn nói.

Tình đoàn kết của mọi người là điều dễ nhận thấy ở New York những ngày này. Trên đường số 10, ai đó đã mang một máy phát điện ra phố, kèm các dây nối phụ để mọi người có thể sạc nhờ điện thoại và máy tính. "Không quá 30 phút mỗi người", tấm biển dán trên máy viết.

Một số người tỏ ra đầy tự lập và kiêu hãnh bất chấp hoàn cảnh khốn khó trong bão. "Tôi sống ở tầng 5 trên phố số 8", bà Anastasia Lacdo, 86 tuổi người gốc Ukraina, vừa chống gậy đi vừa nói.

"Chỗ tôi ở không có điện, không có nước nóng. Nhưng tôi không cần trợ giúp gì đâu. Tôi đi thang bộ được. Tôi sẽ tự đi chợ".

Theo Ánh Dương (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm