Lưu manh đội lốt tu hành ở hải ngoại

James Mark Stone đưa cho một người tự giới thiệu là sư 5USD để đổi lấy một chiếc vòng tay và lá bùa giấy

New York nhan nhản “nhà sư” 

Một buổi chiều tại công viên Bryant Park, New York (Mỹ), người đàn ông mặc áo nhà sư đi vào nhà vệ sinh công cộng rồi đi ra với bộ quần áo bình thường, trên tay cầm một túi da đầy tiền. Anh ta lên xe buýt số 7 đi về hướng khu phố Flushing, Queens, khu vực tập trung sinh sống của người Trung Quốc. Trên đường về anh ta còn mua một chai rượu vang đỏ.

Một người đàn ông khác mặc đồ tu hành ngồi gặm xúc xích bên cạnh 3 người phụ nữ ngực trần ở ga tàu điện ngầm New York nói bằng tiếng Trung: “Tôi không phải là khủng bố, cũng chẳng phải là trộm cướp. Tôi không vi phạm pháp luật”. Nói xong anh ta đứng dậy rồi nhảy lên chiếc tàu điện vừa trờ tới.

Khi được hỏi, những người đàn ông mặc áo nhà sư này đều lảng tránh trả lời họ đến từ đâu cũng như nơi họ tu hành. Họ ít nói tiếng Anh, đa phần đều nói tiếng Trung. Một người phụ nữ họ Lin mặc áo nhà sư cho biết, cô ta tu một ngôi chùa ở Đài Loan nhưng từ chối cho biết địa chỉ cụ thể. “Tôi có nói các anh cũng không biết”, người phụ nữ này nói bằng tiếng Anh. Khi bị hỏi nhiều lần, Lin nổi cáu: “Ai bảo là tôi không có chùa. Nếu không làm sao tôi ăn mặc được như thế này?”.

“Những nhà sư người Trung Quốc xuất hiện ngày một đông và nhan nhản khắp các con phố của New York”, anh Robert Burck, một cư dân New York, Mỹ cho biết. Ban đầu họ xin, nhưng khi thấy mọi người không cho tiền, họ đưa ra những lá bùa, tràng hạt để trao đổi. Nếu thấy cho tiền ít, họ không ngần ngại đòi 20 USD hoặc hơn thế. Với cái đầu cạo trọc, những chiếc áo choàng màu cam, màu nâu hoặc xám, những nhà sư “hóa duyên” này thuyết phục mọi người rằng sẽ dùng số tiền thu được từ những lá bùa này để xây chùa. Nhằm tăng độ tin tưởng, những nhà sư này còn cho họ xem ảnh một ngôi chùa được cho là “địa chỉ” mà tiền mua bùa hộ mệnh của họ sẽ được cúng dường. Sau đó các “nhà sư” mở sổ ghi chép danh sách những người đã quyên tiền ủng hộ trước đó. Tên và số tiền được liệt kê chi tiết. 

Ngoài những người đàn ông đội lốt nhà sư còn có những nhóm khác là phụ nữ tự xưng theo Đạo Lão. Song có vẻ như không ai biết thực sự họ là ai và họ đến từ đâu. Cảnh sát cũng không có thái độ rõ ràng với những “nhà sư”, “đạo sĩ” này. Nhiều Phật tử đến gặp các “nhà sư” để hỏi về những lời răn dạy của Đức Phật thì những kẻ đội lốt này đều lảng tránh rồi bỏ đi. Năm ngoái, một nhà sư chính cống từng tóm được một người đàn ông trong bộ áo màu cam đang “hóa duyên” ở Công viên Sunset, Brooklyn và hỏi về 5 điều Phật dạy, nhưng anh ta thậm chí không biết đến 1 điều. Ông Harry Leong, người đã nghiên cứu về Phật pháp 25 năm nay cho biết từng hỏi về tên và chùa của một “nhà sư” đang đi “hóa duyên” ở Quảng trường Thời đại. “Anh ta không trả lời được. Thậm chí tôi nhắc đi nhắc lại câu hỏi nhiều lần. Đến khi tôi nói anh ta là đồ lừa đảo thì anh ta chạy biến luôn”, ông Leong nói.

Một phóng viên đã theo chân các nhà sư giả mạo này và tìm thấy nơi trú ngụ của họ nằm trên các con phố từ Công viên Trung tâm (New York) đến khu phố người Hoa. 

Sư rởm xin tiền ở công viên Bryant, Mỹ

Tung hoành khắp nơi

Những nhà sư giả mạo này không chỉ tung hoành ở Mỹ, mà còn xuất hiện ở khắp các nước trên thế giới. Cũng với trang phục và chiêu trò tương tự, những kẻ đội lốt nhà sư lang thang trên khắp các con phố ở Sydney, Australia. Họ nhiều đến nỗi người dân và khách du lịch quá quen và không lấy làm ngạc nhiên trước sự xuất hiện của họ nữa. Báo chí Australia từng có những bài viết về sự “bùng nổ” của những “nhà sư” này với tựa đề “Các nhà sư giả mạo đã quay trở lại”. Theo đó, giới chức Australia cũng khẳng định đó là trò bịp bợm.

Tại Canada và New Zealand, những kẻ đội lốt sư nhằm trục lợi cũng không hiếm. Thậm chí ở Hồng Kông và New York, cư dân mạng còn lập các trang facebook có tên “Sư giả mạo ở Hồng Kông”, “Sư giả mạo ở New York”… nhằm vạch mặt những kẻ trục lợi này, đồng thời cảnh báo khách du lịch cũng như người dân tránh bị họ lừa gạt. Gần đây, giới chức Trung Quốc đã bắt giữ 7 người đàn ông ăn mặc như nhà sư Thiếu Lâm tự vì tội lừa khách du lịch để lấy 26.000 USD. Trong khi đó, tại Toronto, Canada, người phát ngôn Sở Cảnh sát Toronto Victor Kwong cho biết cơ quan này nhận được nhiều đơn tố cáo các nhà sư đã xin tiền và đe dọa nếu không được bố thí, song họ chưa bắt được trường hợp nào vì thiếu chứng cứ. 

Khất thực, hóa duyên vốn là một hình thái tu tập của người tu hành, thể hiện sắc thái đặc thù của Phật giáo, các nhà sư đi trên đường với một cái bát trên tay, im lặng thọ nhận sự dâng cúng thực phẩm của tín đồ. Ông Robert Buswell, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học California, Los Angeles phân tích, khi nhận được bố thí, các thầy tu chỉ im lặng, hoặc có chăng là giao tiếp bằng mắt, chứ đừng nói là đề nghị quyên tiền hay bán bùa hộ mệnh, tràng hạt như những kẻ đội lốt nhà sư đang hoành hành khắp New York, Toronto hay Sydney.

Chỉ tính trong năm 2014, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ ít nhất 9 người tự xưng là nhà sư, nhưng sau đó buộc phải thả họ vì ăn xin trên đường phố không phạm pháp. Trong khi đó, các Phật tử ở New York cho rằng những kẻ tự xưng là nhà sư đi “hóa duyên” đã làm tổn hại đến niềm tin của Phật tử và nhà chức trách cần mạnh tay dẹp vấn nạn này.

Theo Chu Hương/ANTĐ 

(Theo New York Times)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.