Lộng hành nạn bắt cóc, giết người bạch tạng làm thuốc

Edna Cedrick từng là mẹ của một cặp song sinh bị bệnh bạch tạng, song giờ đây bà chỉ còn một đứa con sau khi đứa bé còn lại bị tước đi khỏi bà một cách bạo lực. Hình ảnh đứa con trai chín tuổi trong tình trạng bị giết khi cảnh sát tìm thấy hẳn sẽ ám ảnh bà suốt phần đời còn lại.

Bà Cedrick bàng hoàng kể lại cho báo AP về vụ bắt cóc đứa con. Đó là vào lúc giữa đêm, khi người chồng đã đi vắng thì bà nghe thấy tiếng người ta phá cửa xông vào nhà. “Trước khi tôi kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì chúng xé toạc mùng và nắm lấy một đứa trẻ. Tôi nắm lấy cổ tay con, đồng thời đưa lưng che chở cho đứa còn lại" - người mẹ 26 tuổi kể lại, nước mắt giàn giụa.

“Trong lúc choáng váng, tôi buông tay đứa con và nó bị bắt đi mất. Tôi kêu cứu nhưng khi họ hàng đến nhà thì chúng đã đi cả". Đứa trẻ còn lại cứ hỏi về anh nó. Bà phải nói dối là anh sẽ quay trở lại.

Đây chỉ là một trong các vụ bắt cóc giết người bị bệnh bạch tạng đang diễn ra tại quốc gia phía Nam châu Phi này. Được biết những người bạch tạng bị nhắm vào vì người ta tin rằng nhiều phần cơ thể họ có thể dùng làm một loại bùa thuốc có thể đem lại giàu sang, may mắn. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, nạn buôn xác gia tăng vì người ta tin trong xương người bạch tạng có chứa vàng. Người ta còn lầm tưởng rằng quan hệ tình dục với người bạch tạng có thể chữa khỏi HIV. Theo báo cáo hôm 7-6, người bị bệnh bạch tạng thường hay bị kì thị, kể cả với người trong gia đình.

Edna Cedrick và đứa con còn lại sau vụ tấn công kinh hoàng. Ảnh: CBS News

Theo đó, đã có ít nhất 18 trường hợp người bạch tạng bị giết tại Malawi kể từ cuối năm 2014, năm trường hợp khác vẫn còn mất tích. Thực tế có thể còn nhiều hơn nữa do các vụ mất tích thường ít được khai báo tại khu vực nông thôn. Cảnh sát Malawi cũng đã khai quật được nhiều quan tài chứa xác người bạch tạch bị chôn trái phép.

Mới đây, một vụ tấn công chết người khác cũng xảy ra tại Malawi. Nạn nhân là Fletcher Masina, 38 tuổi. Khi xác của ông được tìm thấy, các phần tay chân đều bị mất cả.

Cảnh sát nước này cũng công nhận các gia đình người bị bệnh bạch tạng đang phải sống trong sợ hãi vì không đủ đảm bảo an ninh. “Tại các vùng quê nơi, các vụ tấn công như vậy rất thường xuyên mà chúng tôi lại không có đủ lực lượng cảnh sát" - cảnh sát trưởng quận Machinga cho biết.

Theo AP, các phóng viên của tờ báo này đã bị tấn công khi tiếp cận một người đàn ông chở theo một đứa bé ba tuổi bị bệnh bạch tạng. Người này sau đó đã giải thích rằng ông ta đã quá sợ hãi và lo lắng. Ông thậm chí phải bỏ nghề xe ôm để có thể bảo vệ được con. “Tôi đã đến đường cùng rồi. Ai muốn cướp đứa bé khỏi tôi thì phải giết tôi trước đã" - người đàn ông tên Razik Jaffalie cho biết.

Một trường hợp khác may mắn hơn là bé Mina Godfrey, 13 tuổi ngụ tại quận Machinga. Em đã may mắn sống sót sau khi bị ông cậu bắt cóc ngay tại giường.

“Cháu đang ngủ say thì bất chợt nhận ra mình đang ở ngoài trời và mưa thì cứ tầm tả rơi xuống người. Cháu la lên nhưng cậu cháu cứ siết lấy cổ họng cháu làm cháu nghẹt thở" - cô bé kể. Cô bé đã cố chạy trốn nhưng đã bị tên bắt cóc trói vào xe đạp để đem đi. “Khi đến nơi kế tiếp, họ cởi trói cho cháu để thương lượng với người mua. Nhân cơ hội đó, cháu tìm cách tháo chạy lần nữa". Cô bé đã may mắn trốn thoát đến một ngôi nhà gần đó và đã ở đó cho đến khi chủ nhà tìm thấy cô bé vào sáng hôm sau.

Nạn bắt cóc có xu hướng gia tăng sau khi nước láng giềng Tanzania siết chặt các biện pháp chống buôn bán nội tạng.

Theo cảnh sát nước này, nạn bắt cóc có xu hướng gia tăng sau khi nước láng giềng Tanzania xiết chặt các biện pháp chống buôn bán nội tạng vào đầu năm 2015.

Các nhóm hoạt động tình nguyện tại Malawi đã tổ chức biểu tình trước tòa Quốc hội để kêu gọi trừng phạt những người tấn công bệnh nhân bạch tạng. Thủ tướng nước này Peter Mutharika gọi vấn nạn này là “đáng kinh tởm” và đã thành lập một ủy ban giải quyết vấn đề này.

“Thật ngu xuẩn nếu có ai tin rằng mình có thể giàu lên nhờ sử dụng xương hoặc thứ gì tương tự chỉ vì các lang băm nói như vậy" - ô phát biểu.

Deprose Muchena, điều phối chi nhánh của Tổ chức Ân xá Thế giới tại phía Nam châu Phi, kết luận: “Đã đến lúc chính quyền Malawi ngưng rút đầu dưới cát và vờ như rằng tình trạng này sẽ nhanh chóng qua đi".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm