Cuộc đời thiên tài Stephen Hawking qua ảnh

GS Hawking sinh ngày 8-1-1942, đúng 300 năm sau sự ra đi của Galileo Galilei -cha đẻ của khoa học hiện đại. Vì thế, giới khoa học tin rằng đó chính là số mệnh của Hawking, người có ảnh hưởng sâu đậm tới những nghiên cứu về vũ trụ, hệ mặt trời, hay sự sống ngoài Trái đất.

Ông là con cả trong bốn người con của nhà sinh vật học Frank Hawking và Isobel Hawking - người làm thư ký trong một viện nghiên cứu y học.

Stephen Hawking (trái) cùng em gái của mình là Mary.

Đến năm 1958, ở tuổi 16, ông đã chế tạo thành công chiếc máy tính bằng linh kiện từ vật liệu tái chế, cũng từ đây người ta bắt đầu chú ý đến khả năng đặc biệt của nhà thiên tài này.

Chỉ một năm sau đó (1959), ông được nhập học tại Trường Oxford, Anh quốc khi chỉ mới 17 tuổi. Ông theo học ngành vật lý và tốt nghiệp loại xuất sắc. Ngoài ra, Hawking còn nhận bằng danh dự hạng nhất về khoa học tự nhiên.

Stephen Hawking năm 12 tuổi (trái) và khi học tại Trường ĐH Oxford vào năm 1962.

Đến năm 1963, ông được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (amyotrophic lateral sclerosis - ALS) khi chỉ mới 21 tuổi. Căn bệnh này khiến ông dần bị liệt.

Bỏ qua những định kiến về bệnh tật của ông, bà Jane Wilde chấp nhận kết hôn với ông. Bà là một sinh viên ngoại ngữ, hai người gặp nhau tại ĐH Cambridge. Họ kết hôn vào ngày 14-7-1965.

Đến năm 1966, ông nhận bằng tiến sĩ khi chỉ mới 24 tuổi.

Năm 1965, Stephen Hawking cưới vợ là bà Jane Wilde.

Đến năm 1967, ông có người con trai đầu lòng là Robert. Ba năm sau đó, con gái Lucy của ông ra đời.

Năm 1973, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên có tên là The large scale structure of space-time. Tiếp đó, ông sử dụng cơ học lượng tử để đưa ra lý thuyết về bức xạ của lỗ đen hay bức xạ Hawking. Ông được bầu làm thành viên trẻ nhất của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh khi mới 32 tuổi (1974). Đến năm 1975, ông trở lại Cambridge và trở thành giáo sư vật lý khi chỉ mới 33 tuổi. Một năm sau đó, ông tiếp tục nhận được huy chương Albert Einstein.

Đến năm 1979, ông tiếp tục gặt hái thành tựu và trở thành giáo sư toán học Lucas tại ĐH Cambridge, một vị trí uy tín từng được đảm nhiệm bởi Isaac Newton. Hawking giữ chức vụ này cho đến năm 2009. Cũng vào năm này, Jane sinh con thứ ba là Tim.

Stephen Hawking cùng vợ mình và con trai Tim trong buổi lễ nhận bằng danh dự của Trường ĐH Cambridge.

Đến năm 1985, ông trải qua một cơn bạo bệnh. Rất may là Hawking đã sống sót sau ca mổ nhưng ông bị mất khả năng nói. Những năm sau đó, ông giao tiếp thông qua hệ thống âm thanh điện tử gắn trên xe lăn.

Mặc dù gặp vô vàn khó khăn nhưng bộ não thiên tài vẫn không ngừng hoạt động. Đến năm 1988, ông ra đời cuốn sách thứ hai Lược sử thời gian viết về vũ trụ, hướng đến đối tượng độc giả là công chúng. Cuốn sách đã bán được hơn 10 triệu bản sau 20 năm.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phong tặng ông tước hiệu Companion of Honor vào năm 1989.

Năm 1990, Hawking thỉnh giảng tại một lớp ở ĐH Northeastern ở Boston.

Đến năm 1995, sau khi chia tay với người vợ đầu, Stephen Hawking tiến đến hôn nhân với cô y tá chăm sóc ông là Elaine Mason. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài đến năm 2006.

Năm 1995, Stephen Hawking cưới người vợ thứ hai là Elaine Mason nhưng chỉ chung sống được năm năm. Họ chính thức ly hôn vào năm 2006.

Đến năm 2002, ông được BBC đưa vào danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất trong lịch sử.

Một vài năm sau đó, ông tiếp tục bị căn bệnh quái ác hành hạ khiến tay ông không thể cử động được nữa. Ông buộc phải sử dụng một thiết bị giao tiếp hoạt động nhờ vào cơ mặt.

Tháng 4-2007, GS Hawking tự mình thử nghiệm cảm giác không trọng lực trên một chiếc máy bay.

Tuy nhiên, không một thứ gì có thể ngăn cản ông sống với đam mê của mình. Ông vẫn tiếp tục tham gia vào các hoạt động liên quan đến sở trường và đam mê của mình là vũ trụ. Tháng 4-2007, GS Hawking tự mình thử nghiệm cảm giác không trọng lực trên một phi thuyền mô phỏng có tên là Vomit Comet.

Ông cũng có thời gian gặp gỡ những nhân vật đặc biệt như Nelson Mandela -lãnh tụ của phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi tại Johannesburg (tháng 5-2008), Giáo hoàng Benedict XVI trong buổi gặp mặt các nhà khoa học tại Vatican (tháng 10-2008).

 Hawking đã gặp Nelson Mandela.

Tháng 10-2008, Hawking gặp gỡ Giáo hoàng Benedict XVI trong buổi gặp mặt các nhà khoa học tại Vatican.

Đến năm 2009, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao huân chương Tự do.

Stephen Hawking nhận huân chương Tự do do Tổng thống Mỹ Barack Obama trao.

Đến năm 2014, cuộc đời của Hawking được tôn vinh trong bộ phim tiểu sử Lý thuyết của vạn vật - đoạt giải Oscar dựa trên cuốn hồi ký Travelling to Infinity: My Life with Stephen của vợ ông là Jane Hawking.

Ngày 14-3-2018 ông qua đời ở nhà riêng tại Cambridge, hưởng thọ 76 tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.