Cuộc đời đẫm máu của nô lệ tình dục 9 tuổi

Cuộc đời đẫm máu của nô lệ tình dục 9 tuổi ảnh 1

Sreypov đứng trước khu "Nhà Trắng"

Khu phố đèn đỏ lừng danh nhất tại Phnom Penh lại được gọi là "Nhà Trắng". Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi những khối nhà tồi tàn, có màu xám - trắng xen kẽ xếp liền kề với nhau qua mấy khu phố. Những người thuê nhà ở đây đều là "công nhân làng sex", rất nhiều trong số đó đã từng bị tống cổ khỏi các nhà chứa nhỏ vì họ quá già - khoảng tuổi teen hoặc ngoài 20 - hoặc là họ quá ốm yếu để làm việc nhiều hơn. Không được giáo dục, không có kỹ năng nghề nghiệp, họ phải tìm một ra một chủ chứa mới tại đây.

Nhóm Pesta, Sreypov và Chanthan đi dọc con phố, trong bóng nắng của căn hộ u ám, những người dân trong khu nhà bán hàng xén, những múi mít màu vàng óng, hoa quả khô. Mọi con mắt đổ dồn vào cả ba người. Sreypov tới đây để giúp đỡ những phụ nữ đã chạy trốn khỏi nạn buôn nô lệ tình dục. Đây là một phần trong công việc mà cô làm với tổ chức Somaly, do công việc trước đó ở một xưởng may quần áo không mấy suôn sẻ. Trong ba-lô của cô là các hộp bao cao su và xà phòng cho các 'công nhân sex'. Đây cũng là lý do tại sao các chủ chứa lại cho phép Sreypov đi vào khu vực này. Khuôn mặt của Sreypov điềm tĩnh lạ kỳ trước một người nào đó dường như đang định bước vào quá khứ nhức nhối của cô.

Dọc trong hành lang tầng một của "Nhà Trắng", hàng chục phụ nữ tập trung lại trong một căn phòng chật hẹp, cùng với vài đứa trẻ. Trong căn gác xép, tường dán đầy các bức hình ngôi sao điện ảnh Thái Lan và các tấm ảnh chụp các lâu đài, biệt thự - một cảm giác thật khó hiểu khi nhìn lại vẻ tồi tàn của căn phòng, nơi hàng chục phụ nữ cùng chen chúc ngủ. Lúc này là khoảng 10 giờ sáng, các phụ nữ đều vẫn mặc đồ ngủ và đang nghỉ ngơi sau công việc ca đêm. Trông họ mệt mỏi. Những bộ đồ sặc sỡ vẫn treo trong phòng tắm, bên cạnh tấm cửa đã bị mối gặm lỗ chỗ.

Sreypov mặc một chiếc áo sơ mi màu trắng, quần màu đen và đôi giày màu trắng gọn gàng. Cô quỳ xuống sàn khi những phụ nữ khác vây quanh. Sreypov ngồi đó với dáng bộ chỉn chu, nhìn cô như thể hiện thân của niềm hy vọng. Khi cô giới thiệu về bản thân và kể lại chuyện quá khứ, một người đàn ông thò mặt vào sau cánh cửa. Sau đó thêm một người nữa.

Không nản lòng, Sreypov vẫn tiếp tục, cô mời mọi người kể câu chuyện của riêng họ. Một cô gái trẻ gầy gò ốm yếu với gò má cao, đôi chân dài đã bị một nhóm đàn ông "tóm" lấy. Lo sợ sẽ bị nhóm côn đồ này cưỡng bức, cô cầu cứu một người đàn ông lái xe. Ông ta mở cửa cho cô vào, nhưng rồi chính ông ta lại cưỡng bức cô. Một cô gái khác trong bộ đồ ngủ màu hồng kể lại, người cha dượng đã tấn công cô, rồi bán cô cho một nhà chứa.

Sreypov nói rằng cô hiểu mọi chuyện, vì chính cô cũng trải qua cảnh đó. Cô muốn giúp những người phụ nữ này học nghề. Nhưng nhiều người nghi ngờ, và họ không tin là số tiền từ việc làm lặt vặt đó có thể đủ trang trải nuôi con.

Thật khó để hình dung ra tại sao đàn ông lại muốn có sex tại một nơi như Nhà Trắng. Nó chẳng có gì vui vẻ, bẩn thỉu, nguy hiểm. Lý do thì muôn vẻ: một số người đàn ông ở địa phương tin rằng sự trinh trắng của các cô/bé gái sẽ mang lại may mắn hoặc sức khỏe; những người nước ngoài thì bị chứng "tình dục huyễn nhi" (thích giao cấu với trẻ em); hoặc những người đàn ông thích trò bạo dâm như trong các phim cấp 3. Họ biết là mình có thể làm như vậy tại đây. Mại dâm và buôn người là bất hợp pháp ở Campuchia, nhưng các quan chức thì không thể dẹp trừ hết tệ nạn.

Trong tầng 2 của tòa nhà, các cô gái trông có vẻ trẻ hơn, xinh xắn hơn. "Họ có khách Tây" - Chanthan giải thích. "Một số thì đã kết hôn, nhưng chồng của họ là các chủ nhà chứa". Còn các phụ nữ ở tầng 1 thì chỉ tiếp khách "ta".

Sreypov thừa nhận là cô khó có thể trở lại khu phố sex. Vì thậm chí không đến đây, cô vẫn bị quá khứ ám ảnh. "Tôi không bao giờ có thể quên được quá khứ và cả những người đàn ông dã man đó. Tôi sẽ không bao giờ hiểu nổi" - Sreypov nói.

Lúc này, Sreypov trở lại với hành trình trốn chạy của mình khỏi nhà chứa. "Ngay từ khi nhìn thấy người khách đầu tiên, tôi đã nghĩ ngay tới việc phải bỏ trốn". Sreypov cũng hiểu rõ điều gì chờ đợi mình nếu cô không trốn thoát - cô nhớ tới những cô gái bị xích lại hoặc nhốt trong quan tài nhiều ngày liền, xung quanh toàn giòi bọ. Nhưng Sreypov vẫn quyết tâm. "Họ có thể giết chết tôi nếu muốn. Nhưng chết có khi còn hơn là sống".

Một đêm, khi khách của cô đang trong phòng tắm, một tên gác cửa để cửa mở, Sreypov đã lóe lên hy vọng. Cô chốt cửa phòng ngủ và chạy càng xa càng tốt, nhưng sau đó cô bị bắt lại. Gã chủ chứa mang cô đến phòng tra tấn, cô bị treo lên, hai tay giang ra như trên cây thập tự. Gã vụt cô bằng roi mây cho tới khi máu chảy đầm đìa, rồi bôi ớt lên khắp các vết thương đang tóe máu. Sau đó, gã bán cô cho nhà chứa khác.

Lần thứ hai Sreypov bỏ trốn, cô lại bị bắt, bị đánh đập, và lại bị bán cho nhà chứa khác. Vậy tại sao cô vẫn còn đủ sức để bỏ trốn tới lần thứ ba? "Tôi biết là nếu tôi ở lại, tôi sẽ ốm đau và rồi chết. Tôi chẳng có gì để mất" - Sreypov nói. Một đêm, khi lính gác bỏ cửa, cô lạibỏ trốn. Lần này, cô chạy được ra tới phố. Cô chạy hết sức bình sinh, cho tới khi cô đâm sầm vào một người đàn ông, khiến ông ta ngã lăn. "Ông ấy túm lấy tay tôi và hỏi tại sao tôi lại bỏ chạy. Tôi đã kể hết sự tình".

Sreypov đã rất may mắn. Vì người đàn ông này hoàn toàn có thể mang cô trả lại cho nhà chứa để lấy thù lao. Nhưng, ông đã đưa cô tới đồn công an. Và cô lại một lần may mắn, các công an đã gọi điện tới cho Somaly Mam.

Lần đầu tiên Sreypov tới trung tâm Somaly dành cho các bé gái được giải cứu ở Kampong Cham, cô nhìn thấy các bạn gái khác và nghĩ rằng mình lại bị bán tới một nhà chứa nào đó. "Chỉ tới khi tôi thấy các bạn ấy đang đi học, tôi mới biết là mình đã an toàn". Lúc đó, Sreypov lên 10 tuổi.

Giáo viên của Sreypov là Somaly đã ngoài 30 tuổi, cô dễ cười, nhưng cuộc đời cũng đầy bi kịch. Cô bị bán cho nhà chứa khi mới ở tuổi mới lớn, suốt một thập kỷ cô bị giày vò trong nhà chứa trước khi cô trốn thoát với sự giúp đỡ của một nhân viên cứu trợ người Pháp.

Somaly nhớ lại, lần đầu tiên Sreypov đến trại, cô đã phản ứng gay gắt, điều này không hề khó hiểu với các cô gái mới được giải cứu. Vì quá nhiều trong số họ đã bị tra tấn thảm khốc, cơ thể họ đầy các vết cứa, vết lằn roi, kinh khủng hơn là móng tay của nhiều người bị ăn mòn vào tận xương.

Điều ngạc nhiên là ba năm sau khi vào trung tâm, Sreypov muốn gặp lại mẹ. Cuộc thăm viếng ngắn ngủi, nhưng đau đớn. Mẹ của Sreypov nói rằng bà không hề biết cô bị bán cho nhà chứa. Sreypov không tin.

Kết hôn và có con? "Tôi không muốn điều đó" - Sreypov lắc đầu. Cô không thể tưởng tượng nổi mình còn có thể lại gần đàn ông.

Vào một ngày, mẹ của Sreypov trở lại, bà gõ cửa phòng con gái lần đầu tiên trong suốt chừng ấy năm. Sreypov không rõ ý đồ của bà là gì, gặp cô hay là lại muốn bán cô lần nữa? Sự việc đó khiến cô khóc không ngớt. Nhưng mỗi khi tâm trạng u ám, Sreypov gọi cho bạn bè. Những giấc mơ khiếp đảm mờ nhạt dần, và khoảng hai năm nay, cô không còn bị chúng ám ảnh nữa. "Sau khi bỏ trốn, tôi đã cố giấu kín trong lòng, nhưng rồi những cơn ác mộng còn khủng khiếp hơn nữa. Nhưng giờ tôi có thể nói ra câu chuyện của mình, tôi giúp đỡ các cô gái khác, và tôi thấy nguôi ngoai hơn" - Sreypov chia sẻ.

Con đường mà Sreypov đã chọn không hề dễ dàng, cô hiểu rõ điều đó. Kể lại câu chuyện kinh hoàng của đời mình luôn là một "cuộc chiến" đối với Sreypov. Nhưng với ánh mắt kiên cường, cô nói rằng "nếu không ai biết điều đó, sẽ chẳng có gì thay đổi cả".

Theo Lê Thu (VNN / Marie Claire)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm