Cao bồi khỏa thân và thành phố không ngủ

Burck tự hào Naked Cowboy trở thành một thương hiệu 

Trên nền chiếc quần lót màu trắng, dòng chữ “Naked Cowboy” (cao bồi khỏa thân) càng nổi bật với 2 màu xanh đỏ, vốn được xem như hai màu mang tính biểu tượng quốc gia của Mỹ. Chàng cao bồi này chẳng phải “đồ điên lên cơn”, mà anh đang kiếm tiền mưu sinh, rất nhiều phụ nữ, từ trẻ đến già, hào hứng đề nghị chụp hình chung với đủ tư thế: bồng bế, ôm ấp... Có cô lém lỉnh đưa hờ tay lên mông chàng cao bồi để chụp hình. Ai chụp chung phải trả 5 USD (khoảng 110.000 đồng). Chỉ trong một giờ, anh ta kiếm được kha khá khi chụp hình cùng hàng chục người.

Miệng hát, tay liến thoắng nhận tiền, nhưng thỉnh thoảng không quên nhắc nhở mọi người đừng tràn xuống mặt đường gây cản trở giao thông. Tìm hiểu mới biết, Naked Cowboy tên thật là Robert John Burck, 44 tuổi, rất nổi tiếng ở Mỹ và từng tham gia tranh cử vị trí chủ nhân Nhà Trắng hồi năm 2012. Trước đó, vào năm 2009, anh này còn tuyên bố sẽ chạy đua với tỉ phú Michael Bloomberg để tranh cử ghế Thị trưởng New York. Cả hai lần, chàng cao bồi đều khiến truyền thông Mỹ, thậm chí tờThe Guardian của Anh, vào cuộc bàn luận sôi nổi. Burck tự hào Naked Cowboy đã trở thành một thương hiệu. Anh từng khởi kiện hãng sô cô la Mars lừng danh do xâm phạm “quyền sở hữu trí tuệ hình ảnh” cao bồi khỏa thân của mình.

Cao bồi khỏa thân và thành phố không ngủ 2

Quảng trường Thời đại nhộn nhịp lúc nửa đêm

Những siêu anh hùng

Sau cơn mưa nặng hạt giữa tháng 7, trời chiều TP.New York (Mỹ) trở nên xám xịt. Ở Quảng trường Thời đại, nhiều vũng nước đọng lại chưa kịp rút làm cho đường phố nhếch nhác. Những màn hình khổng lồ áp trên các tòa nhà mọc san sát nhau khiến khu vực này, vốn chẳng rộng rãi, càng gây cảm giác chật chội. Xen giữa các khoảng trống, trùng trùng du khách như dòng người bất tận cuồn cuộn chảy về quảng trường nổi tiếng này, trở thành “bầy cá” đông đúc cho những ai mưu sinh, bằng cách chụp hình chung như Burck, “thả câu kiếm cơm”.

Để thu hút du khách, các đồng nghiệp của chàng cao bồi khỏa thân phải ra sức sáng tạo, ăn mặc thật độc đáo, hóa trang phỏng theo các nhân vật điện ảnh nổi tiếng. Các “siêu anh hùng” nổi tiếng của nền điện ảnh Mỹ như: Người sắt (Iron Man), Người khổng lồ xanh, Đại úy Mỹ, thần Thor, Batman... đều hiện diện ở Quảng trường Thời đại. Có “siêu anh hùng” không ngần ngại đeo bảng “Tip 5$” như một cách niêm yết giá chụp hình chung.

Du khách đến với khu vực này còn là miếng bánh béo bở cho một lực lượng đông đảo khác. Đó là đội ngũ bán vé dạo rải đều trên khắp các tuyến đường tại đây. Họ bán đủ loại vé, từ vé tham quan xung quanh thành phố (City tour), vé xem nhạc kịch, vé tham quan bảo tàng… Mỗi người bán vé đeo một chiếc bảng to tướng để quảng cáo, không ngừng rao để gây sự chú ý cho du khách. Tại Mỹ, hầu hết các giao dịch, dù là thuê xe đạp hay mua các món hàng có giá trị thấp ở tiệm tạp hóa, đều có thể thanh toán bằng cách cà thẻ ngân hàng. Việc chi trả bằng thẻ quá phổ biến, nên mỗi người bán vé dạo đều mang theo một vài chiếc máy cà thẻ để khách hàng dễ dàng thanh toán mà không cần phải dùng tiền mặt. Chào mời rất nhiệt tình nhưng họ hoàn toàn không chèo kéo, gây phiền toái cho du khách. Tất cả tạo nên sự đông đúc, huyên náo trên nhiều tuyến phố dọc ngang.

Quảng trường Thời đại còn là thiên đường mua sắm với hàng loạt cửa hàng thời trang, đồ lưu niệm, bánh kẹo… Chỉ riêng hai thương hiệu sô cô la Hershey và M&M cũng đã “cát cứ” với hai showroom to đùng.

Cao bồi khỏa thân và thành phố không ngủ 3

Lính cứu hỏa ký tặng người mua lịch - Ảnh: N.M.T
New York à, chẳng có gì ngoài một đám đông hồ hởi chụp hình, mua sắm, cảnh sát và chật chội. Nhưng vài năm qua, năm nào tôi cũng ghé Một du khách đến từ Canada

New York à, chẳng có gì ngoài một đám đông hồ hởi chụp hình, mua sắm, cảnh sát và chật chội. Nhưng vài năm qua, năm nào tôi cũng ghé

New York à, chẳng có gì ngoài một đám đông hồ hởi chụp hình, mua sắm, cảnh sát và chật chội. Nhưng vài năm qua, năm nào tôi cũng ghé Một du khách đến từ Canada

Một du khách đến từ Canada

Thành phố không bao giờ ngủ

Khách hàng luôn nườm nượp. Không khí mua bán bao trùm cả khu vực trong tiếng nhạc sôi động phát ra từ những hệ thống loa “khủng” của các trung tâm mua sắm. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn có hẳn một DJ chơi nhạc cho thêm phần sôi động. Càng về đêm, không khí càng nhộn nhịp hẳn lên. Dù chỉ là buổi tối của một ngày bình thường, nhưng dòng người đổ về quảng trường đông đến mức khiến người ta cảm tưởng như đang có một lễ hội hoành tráng diễn ra. Thậm chí, đồng hồ điểm sang 12 giờ đêm, không khí sôi động cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số ít cửa hiệu đóng cửa, còn lại phần lớn tất tả phục vụ khách hàng. Hệ thống tàu điện ngầm vẫn cần mẫn hoạt động, ai đứng trên đường đều có thể nhận thấy độ rung khi tàu chạy qua bên dưới. Đến lúc này, người ta mới có thể hiểu lý do New York được gọi là “thành phố không bao giờ ngủ”, hệ thống tàu điện ngầm gần như hoạt động thâu đêm suốt sáng.

Nhộn nhịp, đông đúc, người người chen chân nhưng mọi hoạt động ở Quảng trường Thời đại luôn rất an ninh bởi một cơ số cảnh sát hùng hậu túc trực tại đây. Dường như, lực lượng an ninh luôn sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp khi bố trí cả xe thang cứu hỏa, xe cứu thương. Thậm chí, xe chuyên dụng của lực lượng gỡ bom cũng hiện diện ở địa điểm đông đúc này.

Dù kiểm soát gần như nhất cử nhất động của đám đông bao quanh, nhưng lực lượng an ninh chẳng khiến người ta cảm thấy bị phiền toái. Ngược lại, họ trở thành một “đặc sản” thu hút du khách, cạnh tranh với Naked Cowboy và đồng nghiệp. Giới cảnh sát luôn thân thiện, sẵn sàng làm dáng, tươi cười để chụp hình cùng mọi người, nhưng tất nhiên không lấy tiền như Naked Cowboy.

Không riêng gì cảnh sát, lính cứu hỏa cũng trở thành một “đặc sản” của thành phố không ngủ. Một buổi sáng giữa tháng 7, chương trình ra mắt bộ lịch 2015 của lực lượng này trở thành tâm điểm trên Quảng trường Thời đại. Nhiều người vây quanh, xếp hàng chờ xin chữ ký của các chàng lính cứu hỏa to con, vạm vỡ. Sau những hành động đáng tôn vinh trong sự kiện đau thương 11.9.2001, lực lượng lính cứu hỏa New York trở thành một biểu tượng anh hùng giữa đời thường. Biểu tượng anh hùng biến thành một sức hút giống như các cảnh sát, thường xuyên được du khách đề nghị chụp hình chung. Họ góp phần quảng bá hình ảnh New York, nơi thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Ngồi trên taxi băng qua Quảng trường Thời đại để ra sân bay khi thành phố bắt đầu lên đèn, một lần nữa, tôi lại chứng kiến dòng người đang ùn ùn đổ về nơi này. Suốt nhiều năm qua, khách du lịch tìm đến New York dường như bất tận, đem lại nguồn thu hàng tỉ USD. Tất cả đều nhờ vào những sản phẩm do con người tạo ra, chứ chẳng có một kỳ quan thiên nhiên hay kiến trúc cổ xưa nổi bật. Như một du khách đến từ Canada, mà tôi có dịp trò chuyện khi cùng núp mưa, nói rằng: “New York à, chẳng có gì ngoài một đám đông hồ hởi chụp hình, mua sắm, cảnh sát và chật chội. Nhưng vài năm qua, năm nào tôi cũng ghé”. 

Theo Ngô Minh Trí/TNO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm