"Cạn túi" sau Tết vì lì xì

"Cạn túi" sau Tết vì lì xì ảnh 1

Lì xì khiến nhiều người "cạn túi" sau Tết. Ảnh: China daily

"Thay vì ngồi vắt óc nghĩ xem tặng ai quà gì, tôi chọn phương pháp phong bì cho nhanh gọn. Cách này dễ dàng hơn nhiều", Pu, 27 tuổi nói.

Tết đến, theo truyền thống, người lớn thường mừng tuổi cho trẻ em bằng những phong bao lì xì màu đỏ có tiền bên trong. Tuy nhiên, tập tục vốn được xem là lời chúc hạnh phúc và may mắn trong năm mới bây giờ lại trở thành gánh nặng đối với Pu và các lao động như anh.

Các thành viên trong gia đình Pu đều sinh sống ở nông thôn. Là người duy nhất có bằng đại học và xin được việc ở thành phố lớn, Pu là niềm tự hào của cả gia đình và được xem là "rủng rỉnh" hơn các anh chị em khác trong nhà.

"Tôi mừng tuổi bố mẹ 4.000 nhân dân tệ, cho các cháu mỗi đứa 600 nhân dân tệ", Pu kể. "Cách đây vài năm, 200 nhân dân tệ là nhiều lắm rồi, thế mà giờ lì xì 200 tệ lại mất mặt vì họ hàng nghĩ tôi keo kiệt". (Mỗi tệ tương đương 3.000 đồng)

Pu cho rằng giá trị tiền lì xì tăng lên cũng là do lạm phát cao. "200 tệ giờ không mua nổi cái áo đàng hoàng nữa. Giá cả mọi thứ đều tăng, trừ lương", anh nói.

Cũng vì gánh nặng lì xì mà nhiều người mất vui trong dịp lễ đáng lẽ phải vui nhất năm này. Làm việc tại một công ty kế toán ở Thượng Hải với mức lương 6.000 nhân dân tệ (970 USD) một tháng, Sun Xiaofei đã chi hết gần nửa thu nhập năm qua chỉ trong vòng hơn một tuần ăn Tết.

"Đây là lần đầu tiên tôi tặng lì xì kể từ khi tôi kết hôn và bắt đầu đi làm năm ngoái", cô gái 26 tuổi kể. "Tôi tặng bố mẹ chồng và bố mẹ tôi tổng cộng 6.000 tệ, mua hai cái áo len đẹp, một cái cho mẹ tôi, một cái cho mẹ chồng. Ngoài ra còn lì xì cho 5 đứa trẻ mỗi đứa 800 tệ nữa".

Ngoài chuyện lì xì, Tết cũng là thời điểm mà những người như Sun có vô vàn thứ cần tiêu tiền.

"Bạn bè, đồng nghiệp rồi các sếp thay nhau tổ chức 5, 6 cái tiệc tân niên. Mỗi bữa tốn khoảng 300 tệ. Tôi không thể từ chối những lời mời kiểu này vì đó chuyện quan hệ xã hội và công việc", cô nói. "Bây giờ cứ nghĩ đến Tết là thấy đau đầu".

Cũng dịp này, các cư dân mạng Trung Quốc đã cùng nhau hiến một vài kế để làm giảm bớt gánh nặng tiêu tiền và tiết kiệm được tiền. Du lịch được xếp vào vị trí số một của danh sách.

Sun cũng nói cô và chồng dự định sẽ đi nghỉ ở một nơi có biển xanh và nắng vàng vào dịp Tết năm sau.

Một số cách khác bao gồm tặng quà thay tiền hoặc lì xì theo phong cách Hong Kong, với mỗi phong bao chỉ chứa 10-20 HKD.

Wang Zuoyi, một chuyên gia về văn hóa dân gian ở Bắc Kinh, cho rằng áp lực lì xì đang dần làm mất ý nghĩa tốt đẹp của truyền thống này.

"Về vấn đề này thì Hong Kong bảo tồn văn hóa hồng bao tốt hơn đại lục", ông nói. "Quan trọng là bạn chúc gì cho người ta chứ không phải bạn cho bao nhiêu tiền vào phong bì".

Trong khi lì xì trở thành gánh nặng với người lớn thì thế hệ trẻ cũng trở nên sai lầm trong nhận thức về tiền mừng tuổi. Zhu Tianyu, 20 tuổi, một sinh viên năm hai tại đại học Nam Kinh, cho rằng năm mới là dịp để cậu kiếm tiền. Năm nay, Zhu đã được lì xì gần 10.000 tệ (hơn 1.600 USD).

Hiện tượng thanh thiếu niên trở nên giàu có sau Tết nhờ được lì xì cũng tác động đến ngành kinh doanh. Một số ngân hàng đã bắt đầu tung ra các sản phẩm tài chính mới đặc biệt nhắm vào nhóm đối tượng giàu có này.

"Các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con cái mình tiêu tiền", Wang nói. "Biết tiết kiệm từ khi còn nhỏ là một điều tốt. Cho trẻ quá nhiều tiền là không nên".

Theo Nhân Mã (VNE / China Daily)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm