Bệnh nhân Syria tình nguyện bị đánh bất tỉnh....để mổ

syria, chiến tranh, y tế, thuốc mê

Những thiệt hại do chiến tranh gây ra đã tàn phá hệ thống y tế tại Syria, theo một báo cáo mới của tổ chức Cứu trợ trẻ em. Theo đó, nhiều em nhỏ đang chết dần trong các lồng ấp do mất điện, tay chân bị cắt do thiếu thiết bị và số trẻ mắc bệnh bại liệt đang tăng.

Báo cáo dày 13 trang được công bố hôm nay (10/3) mô tả sự biến đổi khủng khiếp của hệ thống y tế Syria kể từ khi chiến tranh bùng phát cách đây 3 năm. "Trên khắp Syria, 60% số bệnh viện và 38% cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, việc sản xuất thuốc giảm 70%. Gần nửa số bác sĩ Syria dã chạy trốn khỏi đất nước. Tại Aleppo, thành phố đáng ra phải có 2.500 bác sĩ thì hiện giờ chỉ còn có 36 người".

Ảnh hưởng của chiến tranh với hệ thống y tế là rất khủng khiếp, và các bác sĩ còn lại không có khả năng chữa trị cho những người cần sự trợ giúp, tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết.

"Hệ thống y tế ở Syria hiện trong cảnh xáo trộn và chúng tôi nghe được các thông tin rằng bác sĩ phải dùng quần áo cũ để làm băng gạc và các bệnh nhân chọn cách bị đánh cho bất tỉnh bằng thanh kim loại do không có thuốc mê. Việc thiếu nước sạch cũng đồng nghĩa với việc tiệt trùng băng gạc là gần như không thể, đe dọa nhiễm trùng và tử vong".

Theo ước tính của LHQ, hơn 100.000 người đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bùng phát. "Trẻ em đã phải chứng kiến và trải qua những cảnh bạo lực tột độ và hơn 10.000 em nhỏ đã thiệt mạng chính là hậu quả trực tiếp".

"Không phải chỉ đạn pháo giết hại và làm lũ trẻ bị thương, các em chết dần do thiếu chăm sóc cơ bản. Hệ thống y tế của Syria đã bị tàn phá". Tổ chức Cứu trợ trẻ em ước tính có hàng nghìn trẻ em thiệt mạng do không được chữa trị các bệnh đe dọa tới tính mạng như ung thư, động kinh, hen suyễn, tiểu đường, tăng huyết áp, hỏng thận.

Một số tác động khủng khiếp của chiến tranh với hệ thống y tế Syria bao gồm "trẻ em bị cưa chân tay vì các phòng khám không có thiết bị cần thiết để chữa trị, trẻ em sơ sinh chết dần trong lồng ấp vì mất điện, cha mẹ lao tới bệnh viện nhưng không tìm thấy nhân viên y tế, bệnh nhân thiệt mạng do nhận sai nhóm máu và việc truyền máu đôi khi được tiến hành trực tiếp giữa người với người do thiếu điện..."báo cáo cho hay.

Ước tính, tổng số 200.000 người Syria đã thiệt mạng vì bệnh mạn tính do thiếu chăm sóc.

Theo Hoài Linh (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm