Báo động nạn béo phì giới nhà sư Thái Lan

Gần 50% nhà sư Thái Lan mắc bệnh béo phì, hơn 40% có chỉ số cholesterol cao, gần 25% bị huyết áp cao và cứ 10 người thì có 1 người bị tiểu đường, Theo một khảo sát mới đây của đại học Chulalongkorn (Thái Lan).

“Bệnh béo phì trong giới tu sĩ giống như một quả bom nổ chậm. Nhiều nhà sư đang chịu đựng những căn bệnh mà chúng ta có thể ngăn chặn được” – theo Giáo sư thực phẩm và dinh dưỡng Jongit Angkatavanich tại đại học Chulalangkorn.

Một nhà sư trẻ đang nhận thức ăn từ các tín đồ Phật giáo. Ảnh: NEW YORK TIMES

Một nhà sư trẻ đang nhận thức ăn từ các tín đồ Phật giáo. Ảnh: NEW YORK TIMES

Tìm hiểu thói quen ăn uống của các nhà sư Thái Lan, các nhà nghiên cứu thấy khó hiểu vì các nhà sư tiêu thụ lượng calo thấp hơn người bình thường, nhưng lại bị béo phì nhiều hơn.

Giáo sư Jongjit cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là đồ uống có đường. Vì các nhà sư Thái Lan không được ăn sau bữa trưa, nên để duy trì năng lượng, họ phải nhờ vào các thức uống có nhiều đường, bao gồm nước tăng lực.

Ngoài ra, thực phẩm mà các nhà sư thường nhận từ việc cúng dường của người dân như nước ngọt, nước ép đóng hộp, bánh ngọt, và nhiều thức ăn chế biến sẵn khác chứa rất nhiều đường, thiếu đạm và chất xơ, dẫn đến thừa cân, béo phì.

Phần lớn người dân Thái Lan là tín đồ Phật giáo và họ tin rằng việc cúng dường thực phẩm cho các nhà sư sẽ giúp họ tích đức cho hiện tại và kiếp sau. Tuy nhiên họ không để ý rằng những thực phẩm cúng chứa nhiều đường và chất béo đang gây ra nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe của các nhà sư.

Nhiều thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều bột ngọt và không có hàm lượng đạm và chất xơ cao, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Ảnh: NEW YORK TIMES

Nhiều thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều bột ngọt và không có hàm lượng đạm và chất xơ cao, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Ảnh: NEW YORK TIMES

Chuyện béo phì trong giới tu sĩ không chỉ là lo ngại trong giới khoa học mà còn là một vấn đề gây đau đầu cho giới chức nước này.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan phải yêu cầu người dân cúng dường những thực phẩm lành mạnh hơn cho các nhà sư khất thực trên đường phố vào buổi sáng.

Ông Amporn Bejapolpitak, Phó Giám đốc Bộ Y tế Cộng đồng cũng khuyến khích các nhà sư thực hiện thêm các hoạt động thể chất, như lau dọn đền chùa, bên cạnh việc cầu nguyện và thiền định hàng ngày.

Hiện Giáo sư Jongjit đang làm việc với chính phủ Thái Lan và các cơ quan tôn giáo để triển khai dự án Nhà tu hành khỏe mạnh - Dinh dưỡng khỏe mạnh. Mục tiêu của dự án này là cải thiện lối sống của các nhà sư thông qua hoạt động giáo dục dinh dưỡng và luyện tập thể chất.

Các nhà sư đang đi khất thực trên một con đường tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: NEW YORK TIMES

Các nhà sư đang đi khất thực trên một con đường tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: NEW YORK TIMES

Chương trình thử nghiệm năm 2016 đã có sự tham gia của 82 nhà sư và đạt được kết quả tích cực khi các nhà sư đã giảm thành công cân nặng và lượng choresterol trong máu.

Hiện tại dự án đã xuất bản các tập công thức nấu ăn để các tín đồ Phật giáo có thể nấu các món lành mạnh với chi phí hợp lý cho các nhà sư. Dự án cũng khuyến khích các nhà sư ghi chú lại các hoạt động thể chất hàng ngày của họ.

Nhiều nhà sư nói với đội nghiên cứu rằng họ không nhận ra mình tăng cân vì họ luôn mặc những chiếc áo rộng. Vì vậy, Giáo sư Jongit có ý tưởng đưa cho họ những chiếc nịt bụng với mức vòng eo lý tưởng để các nhà sư so sánh và cải thiện mức cân nặng của bản thân.

Không chỉ trong giới tu hành, bệnh béo phì đã chạm ngưỡng báo động ở Thái Lan. Quốc gia này xếp thứ hai trong số những nước châu Á có tỷ lệ béo phì cao nhất, chỉ sau Malaysia. Theo khảo sát sức khỏe quốc gia của Thái Lan, cứ 3 người đàn ông Thái Lan thì có 1 người bị béo phì, và hơn 40% phụ nữ Thái đang đối mặt với tình trạng thừa cân nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm