Báo động hơn 10 tấn sứa làm bằng hóa chất tại Trung Quốc

Chính quyền địa phương cho biết đây là lần đầu tiên những con sứa giả, được làm từ hóa chất, được tìm thấy tại một chợ thực phẩm ở TP Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Lượng sứa giả bị tịch thu lên đến gần một tấn.

Một cơ sở sản xuất tương tự cũng bị phát hiện tại TP Thường Châu, tỉnh Giang Tô, giáp Chiết Giang. Nhà chức trách địa phương cho biết các đầu mối cung cấp có thể đã tuồn hàng vào các chợ thực phẩm địa phương hơn 10 tấn sứa giả.

Tổng cộng có sáu nghi phạm bị bắt giữ trong đợt triệt phá của cảnh sát vào hai xưởng sản xuất sứa giả ở Chiết Giang và Giang Tô. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành thêm công tác điều tra.

Cơ sở sản xuất sứa giả tại Trung Quốc bị triệt phá. (Ảnh: PEOPLE.CN)

Cảnh sát TP Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, đơn vị dẫn đầu cuộc điều tra, cho biết ban đầu họ phát hiện một cơ sở sản xuất sứa giả do ông Yuan điều hành. Ông Yuan khai nhận trước cảnh sát rằng sứa giả được làm bằng cách trộn lẫn ba loại hóa chất là acid alginic, phèn amoni và canxi colorua khan.

Sau thử nghiệm, lực lượng chức năng còn phát hiện hàm lượng nhôm cao lên tới 800 mg/kg, gấp tám lần giới hạn cho phép ở Trung Quốc trong các “sản phẩm nhân tạo” này.

Ông Yuan khai nhận trong gần một năm đi vào hoạt động, cơ sở của ông đã thu về khoản lợi nhuận hơn 170.000 nhân dân tệ (26.000 USD). Trong khi đó, xưởng làm sứa giả của ông Jia tại TP Thường Châu, tỉnh Giang Tô khai nhận kiếm hơn 100.000 nhân dân tệ/năm.

Sứa giả (trái) và sứa thật. (Ảnh: PEOPLE.CN)

Theo báo cáo, những con sứa giả thế này chứa hàm lượng nhôm cao. Nếu ăn chúng thường xuyên thì các chất độc hại tích tụ bên trong cơ thể có thể gây tổn hại cho xương và dây thần kinh, từ đó dẫn đến mất trí nhớ và suy giảm trí tuệ.

Các món ăn làm từ sứa khá phổ biến tại Trung Quốc. Loài này được yêu thích vì độ giòn của chúng. Người ta thường cắt nhỏ sứa và ngâm trong hỗn hợp muối, giấm cùng một chút đường. AFP nhận định những con “sứa nhân tạo” đã góp thêm vào danh sách thực phẩm giả của Trung Quốc.

Trung Quốc thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện các vụ bê bối an toàn thực phẩm khi nhiều doanh nghiệp, đôi khi cấu kết với các quan chức tham nhũng, phớt lờ những tiêu chuẩn và quy định chỉ vì lợi nhuận.

Năm 2008, một vài trẻ sơ sinh đã tử vong và hàng ngàn người tại Trung Quốc đã ngã bệnh vì sữa bột trẻ em nhiễm độc. Hai nông dân chăn nuôi bò sữa đã bị xử lý sau vụ việc và nhiều quan chức đã bị sa thải hay từ chức vì vụ bê bối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm