Một thành phố Trung Quốc báo động bệnh dịch hạch

Tờ Nhân Dân Nhật báo đưa tin chính quyền TP Ba Ngạn Náo Nhĩ hôm 5-7 đã tuyên bố mức báo động 3 về bệnh dịch hạch, một ngày sau khi thành phố này ghi nhận một trường hợp nghi nhiễm.

Đây là mức báo động thấp thứ hai trong hệ thống báo động gồm bốn cấp độ ở Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

Ca ghi nhiễm bệnh dịch hạch được ghi nhận tại một bệnh viện ở Ba Ngạn Náo Nhĩ vào ngày 4-7. Cơ quan y tế địa phương cho biết thời gian báo động này sẽ kéo dài đến hết năm nay.

Sóc marmot. Ảnh: NDTV

“Hiện tại, có nguy cơ dịch bệnh dịch hạch ở người lan rộng ở thành phố này. Người dân nên cải thiện nhận thức và khả năng tự bảo vệ của mình và báo cáo tình trạng sức khỏe bất thường kịp thời” - cơ quan y tế địa phương cho biết.

Trước đó, bốn người Nội Mông được xác nhận mắc bệnh dịch hạch vào tháng 11-2019, bao gồm hai ca bệnh dịch hạch phổi có nguy cơ tử vong cao hơn, theo Reuters.

Vào ngày 1-7 vừa qua, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết hai trường hợp nghi mắc bệnh dịch hạch được báo cáo tại tỉnh Khovd ở phía tây Mông Cổ đã được xác nhận bằng các kết quả xét nghiệm.

Các trường hợp được xác nhận là một cư dân 27 tuổi và em trai 17 tuổi của anh ta. Hai người đang được điều trị tại hai bệnh viện riêng biệt ở tỉnh Khovd, Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức y tế cho biết.

Quan chức trên cho biết hai anh em ăn thịt sóc marmot, vì vậy ông cảnh báo mọi người không nên ăn thịt marmot. Tổng cộng 146 người đã tiếp xúc với họ đã bị cô lập và điều trị tại các bệnh viện địa phương.

Bệnh dịch hạch là một bệnh do vi khuẩn lây lan từ bọ chét sống trên các loài gặm nhấm hoang dã như marmot. Nó có thể lấy đi sinh mạng của một người trưởng thành trong vòng chưa đầy 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Năm ngoái, một cặp vợ chồng đã chết vì bệnh dịch hạch ở tỉnh Bayan-Ulgii phía tây Mông Cổ sau khi ăn thịt marmot sống, theo Press Trust of India.

Việc có người mắc bệnh dịch hạch, được biết đến với tên gọi "Cái chết Đen" vào thời Trung cổ ở châu Âu, không phải là hiếm tại Trung Quốc, nhưng từ lâu đã không bùng phát thành dịch. Từ năm 2009 đến 2018, Trung Quốc ghi nhận 26 ca nhiễm và 11 ca tử vong.

Tin tức về bệnh dịch hạch xuất hiện sau khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra cảnh báo về một đại dịch tiềm tàng khác do virus cúm gây ra ở heo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm