Một năm đầy ‘chết chóc’ của nghề báo

Theo báo cáo của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), có 34 trường hợp bị giết hại có chủ đích, trong khi con số này vào năm 2017 là 18 người. CPJ khẳng định số nhà báo bị giết khi tác nghiệp đã lên mức cao nhất trong ba năm qua.

Đối đầu với giới chính khách

Kinh hoàng và chấn động cộng đồng quốc tế cũng như giới chính khách trong năm qua là vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, nhà báo người Saudi Arabia viết cho tờ Washington Post (Mỹ). Ông bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Sự việc xảy ra ngày 2-10, khi nhà báo Jamal Khashoggi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với bạn gái người địa phương nhưng không thấy quay trở ra. Ngay khi có thông tin ông Khashoggi bị mất tích, chính quyền Saudi Arabia khẳng định ông đã rời lãnh sự quán trong tình trạng hoàn toàn bình thường.

Chỉ một tuần sau đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ công bố các bức ảnh về “đội sát thủ” 15 người được cho là do Saudi Arabia cử tới Istanbul để thủ tiêu nhà báo Khashoggi. Đến sáng 19-10, sau hơn hai tuần phủ nhận các cáo buộc thủ tiêu và bắt cóc, chính quyền Saudi Arabia cuối cùng thừa nhận Khashoggi đã bị giết bên trong lãnh sự quán ở Istanbul vì “một vụ ẩu đả”, tuy nhiên không đề cập đến việc thi thể nhà báo hiện ở đâu. Đến nay, thi thể của Khashoggi chưa được tìm thấy.

Saudi Arabia sau đó truy tố 11 người liên quan đến cái chết của Khashoggi, trong đó năm nghi phạm sẽ phải đối diện án tử hình. Ngày 16-11, Washington Post dẫn lời một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay: Đánh giá của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) kết luận chính thái tử Mohammed bin Salman đã ra lệnh giết Khashoggi. Tuy nhiên, Saudi Arabia nhất quyết bác bỏ cáo buộc trên.

Trước đó nhà báo Khashoggi từng có mối quan hệ thân thiết với Hoàng gia Saudi Arabia, thậm chí làm cố vấn cho các quan chức cấp cao chính phủ. Tuy nhiên, ông sau đó thường xuyên chỉ trích chính quyền Saudi Arabia cũng như thái tử Mohammed bin Salman. Ông rời nước vào năm ngoái, tới sống lưu vong tại Washington.

Chân dung nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: INDEPENDENT

Và cả giới xã hội đen

Tháng 10-2018, thi thể nữ nhà báo Viktoria Marinova (30 tuổi) đã được tìm thấy trong một công viên tại thị trấn biên giới Ruse, Bulgaria. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, nữ nhà báo này tử vong sau khi bị cưỡng hiếp và đánh đập. Nghi phạm Severin Krasimirov đã bị bắt giữ sau đó. Tuy nhiên, thanh niên này khai rằng đã ra tay sát hại nữ nhà báo do tác động của rượu và ma túy.

Marinova là biên tập viên phụ trách một chương trình đối thoại về các vấn đề đương đại thuộc đài truyền hình tư nhân TVN. Trước khi bị giết, nữ nhà báo này có cuộc phỏng vấn với hai nhà báo điều tra về cáo buộc gian lận quỹ của EU liên quan tới các chính trị gia và doanh nhân tiếng tăm. Hai nhà báo này đã bị cảnh sát giam giữ khi đang cố ngăn chặn việc phá hủy các tài liệu liên quan đến cáo buộc trên. Được biết Marinova là nhà báo thứ ba bị sát hại tại Liên minh châu Âu trong một năm qua. Hai nhà báo khác là Caruana Galizia đã bị giết trong một vụ đánh bom xe hơi vào tháng 10 ở Malta và Jan Kuciak đã bị giết tại Slovakia vào tháng 2.

Chịu số phận tương tự, nhà báo ảnh Pául Rivas Bravo, người Ecuador của tờ El Comercio đã bị bắt cóc trên đường công tác bởi một nhóm buôn ma túy hồi tháng 4 trước khi bị sát hại. Đi cùng với anh còn có nhà báo Javier Ortega và tài xế Efrain Segarra.

Ana Maria Carvejal, một người bạn và là đồng nghiệp của Bravo, nói rằng: “Ai cũng yêu quý Bravo. Anh ấy kết bạn ở mọi nơi và luôn khiến mọi người say mê với các câu chuyện của mình. Mặc dù biết rằng biên giới Ecuador và Colombia đầy rẫy những tổ chức tội phạm khét tiếng nhưng anh vẫn chọn tới đó. Và rồi anh bị bắt cóc và giết chết”.

Sau đó không lâu, nữ phóng viên Maharram Durrani (28 tuổi) làm việc tại đài Radio Azadi ở Afghanistan cũng bị thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát khi đang trên đường tới cơ quan làm việc ở thủ đô Kabul. Ngoài Durrani  còn có tám nhà báo thiệt mạng trong vụ việc đau xót này. Ông Malali Bashir, nhà sản xuất của đài RFE/RL, nói rằng “vụ đánh bom đã nhằm vào các nhà báo”.

Một người thương tiếc năm người thiệt mạng trong vụ xả súng ở tòa báo Capital Gazette. Ảnh: GETTY

Nhiều bạn trẻ đốt nến tưởng nhớ nhà báo trẻ Viktoria Marinova. Ảnh: AP

Và những cái chết chưa được làm sáng tỏ

Ngày 17-1, phóng viên Jefferson Pureza Lopes (39 tuổi) của đài Radio Beria Rio FM (Brazil) đã bị bắn chết tại nhà riêng và đến giờ chưa một ai bị buộc tội trong vụ giết người này. Jefferson Pureza Lopes là phóng viên chuyên viết về các vấn nạn tham nhũng và thường công khai chỉ trích những chính trị gia địa phương. Trước khi vụ việc xảy ra, đài radio của anh đã bị tấn công và bị thiêu rụi.

Sự kiện xả súng tại tòa báo Capital Gazette ở Annapolis, Maryland, Mỹ hôm 29-6 cũng gây phẫn nộ. Một thanh niên lạ mặt xả súng vào tòa soạn làm bốn nhà báo, một nhân viên quảng cáo thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Hung thủ là Jarrod Ramos (38 tuổi) nhanh chóng bị bắt giữ sau đó. Nghi phạm cho biết đã tấn công tòa báo Capital Gazette để trả thù, vì hồi năm 2012 Ramos từng đâm đơn kiện tòa báo bôi nhọ danh dự của hắn nhưng tòa án đã bác bỏ đơn kiện. 

Một tháng sau, nhà báo điều tra Ján Kuciak (28 tuổi) của trang tin Aktuality.sk ở Slovakia cũng bị sát hại. Thi thể của anh cùng vị hôn thê Martina Kušnírová được tìm thấy bên trong căn hộ của họ. Cả hai đều bị bắn chết và hung thủ không để lại bất cứ manh mối nào. Pavla Holcova, nhà báo Cộng hòa Czech, cho biết anh và Kuciak đang theo đuổi vụ việc liên quan tới thủ tướng Slovakia đã 18 tháng trước khi Kuciak bị sát hại. Anh còn cho biết Kuciak và vị hôn thê đang trong quá trình chuẩn bị cho đám cưới thì bị giết.

Đến tháng 5-2018, phóng viên Ibrahim al-Munjar (26 tuổi) của trang tin tức Sy24 (Syria) bị một nhóm bịt mặt giết chết bên ngoài nhà riêng. Tổng biên tập Sy24, ông Ghaith Hammour, cho biết Ibrahim là một phóng viên chủ chốt, tài năng và đầy nhiệt huyết. Phóng viên này cũng liên tục nhận nhiều lời đe dọa từ phía IS và chính phủ nên anh đã phải chuyển nhà nhiều lần. Tuy nhiên, sau cùng anh vẫn bị sát hại.

Ngày 31-7, Musa Abdul Kareem (25 tuổi), phóng viên ảnh kiêm biên tập viên của tờ báo Fasanea ở Libya, đã bị một nhóm lạ mặt bắt cóc, tra tấn và bắn chết dã man. Tổng biên tập tờ báo, ông Salima Bin Nozha, nói rằng Kareem bắt đầu gia nhập tờ báo năm 2015 và thường xuyên giúp đỡ mọi người và cộng đồng. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng làm báo ở Libya rất nguy hiểm, nhiều nhà báo ở đây có nguy cơ bị sát hại khi nói lên sự thật.

Kinh hoàng hơn, hôm 14-6, ông Shujaat Bukhari, nhà báo kiêm nhà sáng lập tờ Rising Kashmir, đã bị bắn chết bởi những tay súng bịt mặt ở Srinagar, Ấn Độ.

Những con người được cả thế giới tôn vinh

Năm 2018 được cho là năm mất mát của báo giới nên tờ Time đã trân trọng vinh danh họ, những nhà báo đã hy sinh để đấu tranh cho sự thật là nhân vật của năm.

Trang báo uy tín gọi họ là nhóm “Guardian”, tức Người bảo vệ, để truyền thông điệp: “Chúng tôi đứng về phía sự thật và những người bảo vệ sự thật bởi sự thao túng và bóp méo sự thật là câu chuyện chung của năm nay” - ông Edward Felsenthal, Tổng Biên tập tờ Time, cho biết. Được biết đây cũng là lần đầu tiên Time bình chọn một nhóm người đã qua đời làm nhân vật của năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm